11/05/2024 10:06
Mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng của gia đình anh Nguyễn Chúc Linh, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải.
Huyện Duyên Hải, có diện tích rừng hơn 5.000ha, trong đó, diện tích rừng phòng hộ trên 2.400ha, còn lại là rừng sản xuất (chủ yếu kết hợp nuôi, khai thác thủy sản). Hướng đến sản xuất trong nuôi thủy sản giảm phát thải khí sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng thu nhập cho người nuôi thủy sản thông qua việc bán chứng chỉ cacbon; đây là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hướng đến mô hình nuôi gắn với tín chỉ cacbon.
Đồng chí Trần Quốc Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết: đối với địa phương nói riêng và huyện Duyên Hải nói chung, việc hình thành mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, mà nông dân áp dụng nuôi tôm, cua biển thả lan hoặc kết hợp khai thác nguồn thủy sản tự nhiên đang mang lại hiệu quả cao, trên 80% hộ nuôi thành công.
Tính hiệu quả đã chứng minh cho thấy trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, việc nuôi thủy sản (tôm) gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, tác động của môi trường… Nếu quy trình nuôi theo hướng giảm phát thải khí thông qua việc bán tín chỉ cacbon, đang rất cần sự tham gia vào cuộc của các ngành chuyên môn về quy trình. Như vậy, nông dân hay các chủ rừng sẽ phấn khởi, an tâm và tạo thêm nguồn tăng thu nhập với mô hình nuôi thủy sản kết hợp rừng.
Nông dân Nguyễn Chúc Linh, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải cho biết: gia đình có 04ha diện tích nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh. Hàng năm, gia đình thả nuôi kết hợp trong vuông khoảng 40.000 - 45.000 con tôm và 5.000 - 10.000 con cua giống; lợi nhuận trên 120 triệu đồng/năm từ nuôi và từ con cua giống khoảng 20 triệu đồng.
Qua ghi nhận, cho thấy tỷ lệ nuôi thủy sản theo hướng kết hợp dưới tán rừng, thường đạt trên 80% hiệu quả so với nuôi thủy sản chuyên canh. Xã Đông Hải, với diện tích hơn 1.500ha nuôi tôm quảng canh kết hợp với rừng, tập trung ở các ấp Hồ Thùng, Phước Thiện, Động Cao…
Cũng theo nông dân Nguyễn Chúc Linh, trong ao nuôi thủy sản không có cây rừng, nhiệt độ quá cao làm cho tôm, cua dễ sốc nhiệt và chậm lớn. Từ năm 2011, gia đình trồng thêm cây rừng (đước) với diện tích 0,7ha, theo hình thức trồng thưa, nhằm tạo bóng mát cho tôm, cua trú ẩn; khi có cây rừng trong ao, tình hình nuôi thủy sản tương đối thành công, ít rủi ro so với để đất trống trong ao nuôi. Nếu mô hình rừng - thủy sản được phát huy gắn với giảm phát thải khí và kết nối theo hình thức tín chỉ cacbon, người nuôi thủy sản ở đây rất phấn khởi và mong muốn huyện, tỉnh triển khai quy hoạch, xây dựng mô hình điểm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.