19/06/2024 08:33
Đường nông thôn ấp văn hóa - NTM kiểu mẫu ấp Ô Ét, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần. Ảnh: KN
Đồng chí Bùi Trường An, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần cho biết: trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Phú Cần là xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Xã có 08 ấp, diện tích tự nhiên 2.362,62ha, dân số chung 3.120 hộ với 11.560 nhân khẩu. Xác định XDNTM nâng cao, kiểu mẫu là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trên tinh thần tiếp thu Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu năm 2023, Đảng ủy xã kịp thời xây dựng Nghị quyết và tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tầng lớp Nhân dân trên địa bàn xã, quyết tâm thực hiện chủ trương về XDNTM nâng cao, kiểu mẫu đã đề ra.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, các ban, phòng, ngành huyện, cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đảng bộ xã luôn xác định XDNTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác truyền thông là vấn đề quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong xã.
Các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu qua mô hình các tuyến đường hoa, vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, dọn dẹp khu vực xung quanh nhà ở, đảm bảo vệ sinh và mỹ quan, đã trồng mới, trồng dặm trên 12.000 cây các loại như: điệp tứ quý, quỳnh anh, giáng hương, tường vy, cau…
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, phát động Nhân dân chuyển đổi 31ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao giá trị (năm 2023 giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt trên 422 tỷ đồng, tăng 08 tỷ đồng so với năm 2021). Qua quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp đã góp phần tăng giá trị sản xuất bình quân 01ha đất nông nghiệp đạt 121 triệu đồng/năm. Phối hợp các ngành huyện và các đoàn thể xã, Ban Nhân dân ấp vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng dưa lưới trong nhà màng, diện tích 0,45ha; sản xuất lúa vùng kênh bê-tông, diện tích 110ha, thu mật hoa dừa, nuôi bò sinh sản, nuôi lươn không bùn... giá trị hàng năm đạt 150 tỷ đồng.
Bà Dương Thị Hà, Trưởng Ban Nhân dân ấp Ô Ét cho biết: toàn ấp có 352 hộ dân, thực hiện các tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu ấp có 347/352 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa, NTM”, chiếm 98,02%, trong đó có 330 hộ được cấp giấy công nhận liên tục 03 năm, chiếm 94,84%. Có 346/352 hộ tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 98,29%. 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, có nhà tắm, hố xí, chiếm 100% và có 131/147 hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt 89,12%; có 20/20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và có cam kết đảm bảo thực hiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Ban Nhân dân ấp phối hợp với các ngành huyện, xã thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường cặp tuyến Quốc lộ 54, vận động người dân tham gia vớt lục bình để khai thông dòng chảy ở các tuyến kênh thông qua các phong trào “Thứ Bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” của chi đoàn thanh niên, phong trào “5 không, 3 sạch”, “tuyến đường hoa” của chi Hội Phụ nữ...
Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần (xã Phú Cần), với 139 thành viên hoạt động có hiệu quả, liên kết cung ứng giống, vật tư đầu vào và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Toàn xã có 513 công ty, doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ (tăng 24 công ty, doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp so năm 2021) với các ngành hàng như: xây dựng, may mặc, vật liệu xây dựng, xay xát lúa, sản xuất bún, hủ tiếu và bánh các loại, tổng giá trị ước đạt 162 tỷ đồng.
Thực hiện tốt công tác liên kết, tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từ đó lao động có việc làm tăng lên đáng kể, xã đã giới thiệu 1.340 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh (47 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tổ chức 05 lớp dạy nghề nông thôn, đào tạo 150 lao động có tay nghề, sau đào tạo có việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, xã tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, các chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội; đồng thời, thực hiện tốt các nguồn vốn tín dụng thông qua hoạt động ủy thác các đoàn thể đầu tư cho các hộ nghèo. Hiện, xã còn 14 hộ nghèo và 72 hộ cận nghèo (14 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo không có khả năng lao động).
Xã Phú Cần được UBND huyện Tiểu Cần chọn lĩnh vực về giáo dục để thực hiện tiêu chí lựa chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Xã có 04 trường gồm: Trường Mẫu giáo Phú Cần, Trường Tiểu học Phú Cần A, Trường Tiểu học Phú Cần B và Trường THCS Phú Cần có mô hình “Giáo dục môi trường và thực hiện phân loại rác thải” theo Quyết định số 04/QĐ-UBND, ngày 06/02/2023 của UBND xã Phú Cần. Tất cả các trường học được bố trí 36 thùng chứa rác thải loại 120 và 240 lít, 04 xe rác chứa rác tái chế và 22 bộ thùng chứa rác để phân loại. Tất cả các trường đều ký hợp đồng với Công ty TNHH dich vụ thương mại Minh Thông để thu gom rác thải, vận chuyển bằng xe chuyên dụng (02 ngày/lần) đến bãi rác tập trung của huyện để xử lý.
Đồng chí Bùi Trường An cho biết thêm, năm 2023, cộng đồng học tập xã Phú Cần được UBND huyện Tiểu Cần đánh giá, xếp loại tốt (trong đó kết quả học tập thường xuyên của người lao động đạt 04/04 điểm). Thời gian tới, xã Phú Cần tiếp tục thực hiện Chương trình đã đề ra với mục tiêu XDNTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong XDNTM. Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân càng được nâng cao. UBND xã Phú Cần phấn đấu thực hiện hoàn thành mô hình xã NTM thông minh giai đoạn 2024 - 2025.
KIM NGÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.