03/04/2023 09:24
Trước đây, Phước Hưng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trà Cú, hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ. Nhưng, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phước Hưng đã “đồng tâm, hiệp lực” ra sức XDNTM, đến nay, đời sống người dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng không ngừng nâng lên cả vật chất và tinh thần; bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.
Đường nông thôn xã Phước Hưng.
Đồng chí Nguyễn Gia Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng cho biết: thực hiện Quyết định số 1306/QĐ-UBND, ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, qua rà soát, cuối năm 2022, xã công nhận 4.080/4.118 hộ văn hóa, NTM, đạt 99,08% so với hộ đăng ký; về các tiêu chí xã NTM, Phước Hưng đạt 16/19 tiêu chí; còn 03 tiêu chí đang tập trung bổ sung: tiêu chí 11 (hộ nghèo), tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất) và tiêu chí 15 (y tế). Cả 03 tiêu chí, nghị quyết Đảng bộ xã đề ra: từ nguồn vốn phân bổ, hỗ trợ của trên; huy động nội lực, tập trung hoàn thành trong 06 tháng đầu năm 2023.
Hiện nay, ngoài triển khai bổ sung 03 tiêu chí còn hạn chế như trên, Phước Hưng đang tập trung nâng chất các tiêu chí đã đạt, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao. Điểm nổi bật của xã trong những năm qua là quy hoạch. Trong công tác quy hoạch, xã quan tâm đến 03 vấn đề có tính “liên hoàn”, có tác động, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển: thủy lợi, giao thông và điện. Quy hoạch thủy lợi, đem nguồn nước phục vụ sản xuất, nhưng bờ kênh của thủy lợi sẽ là những tuyến đường đal phục vụ nhân sinh; theo đó, đầu tư hệ thống điện, thúc đẩy phát triển sản xuất...
Theo đồng chí Nguyễn Gia Hiền, xã có thế mạnh là Kênh 3/2 đi ngang trung tâm xã, tạo thuận lợi cả giao thông đường bộ lẫn đường thủy. Đặc biệt, là nguồn cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phước Hưng có diện tích nông nghiệp 2.895ha; trong đó, gần 2.324ha đất trồng lúa, 30ha đất chuyên trồng màu, trên 541ha đất vườn cây ăn trái và cây lâu năm. Toàn xã có 4.273 hộ với 17.023 nhân khẩu, dân tộc Khmer 2.337 hộ, chiếm 54,69%; hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 209/4.273 hộ (có 30 hộ nghèo bảo trợ xã hội), chiếm 4,89%, hộ cận nghèo 371/4.273 hộ, chiếm 8,68%; thu nhập người dân đạt 53,5 triệu đồng/người/năm.
Như đã nói về 03 vấn đề có tính “liên hoàn”, Phước Hưng đã quy hoạch và “đi trước một bước”. Do vậy, tiêu chí 3 về thủy lợi, xã đã tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện. Hiện diện tích sản xuất đất nông nghiệp của xã được tưới, tiêu nước chủ động hoàn toàn.
Toàn xã có 43km đê bao, các tuyến đê bao trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp hàng năm, đảm bảo nhu cầu sản xuất, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất và đi lại của người dân. Có 57 bọng đường kính từ 80 - 100cm được kiên cố hóa. Các tuyến kênh thủy lợi nội đồng đều được nạo vét đạt 100%. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã hoàn chỉnh đảm bảo nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất cho nhân dân. Trong đó, năm 2022, lắp đặt thêm 01 bọng đường kính 80cm tại các điểm đầu mối để đảm bảo tưới tiêu hoàn thiện hơn. Trên các tuyến đê bao (dưới thì kênh), trước nhất, hình thành những đường dân sinh nội đồng, khi đạt nhu cầu đi lại, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” những tuyến đường đal.
Từ nhiều nguồn vốn, hiện UBND xã Phước Hưng đang triển khai xây dựng tuyến đường đal ấp Đầu Giồng B.
Tại ấp Đầu Giồng B, nơi đang triển khai công trình tuyến đường đal, ông Trầm Văn Hậu có 0,7ha đất nông nghiệp được hưởng lợi từ tuyến đường đal này chia sẻ: khi làm thủy lợi, đất được đưa lên để làm đê, thuận lợi đi lại trong nội đồng. Những năm gần đây, một số hộ dân do “gắn với ruộng, vườn”, nên cất nhà ở. Từ đó, nhu cầu về giao thông đi lại ngày càng cao. Đáp ứng nhu cầu phục vụ và giúp “tam nông” phát triển, xã đã đầu tư làm tuyến đường đal. Công trình đi qua, người dân đồng tình, nhiều hộ hiến đất, cây trái, hoa màu...
Chính từ thực hiện phương thức này, tiêu chí 2 về giao thông của xã “nổi trội”. Hiện Phước Hưng có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đạt 100% (11,4km), mặt đường rộng 09m, nền đường 6,5m. Trong đó, Hương lộ 17 dài 0,5km, Tỉnh lộ 911 dài 1,9km, Quốc lộ 54 dài 09km; đường trục ấp, liên ấp 58km được đầu tư cơ bản 53,5/58km (đạt 92,2%); đường ngõ xóm đã cứng hóa 9,04/12,04km (đạt 75%), nền đường tối thiểu 04m, mặt đường 03m; đường trục chính nội đồng 9,4/13,9km được đal hóa (tỷ lệ 67,62%).
Khi thủy lợi, giao thông hoàn thiện, xã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt cho người dân. Hiện xã được cung cấp từ điện lưới quốc gia qua trạm biến thế trung gian 110/220KV Trà Vinh thuộc các tuyến 474KV; có 220kV, 12,7kV, dài 24,191km, có 42 trạm biến thế; đường dây hạ thế 23,95km; các đường dây lưới điện trung, hạ thế dọc theo Quốc lộ 54, các hương lộ liên ấp, liên xã đảm bảo cung cấp điện an toàn cho người dân; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn chiếm 98,86%.
Từ thủy lợi, giao thông, hệ thống điện hoàn thiện, nên các phong trào vận động xây dựng xã văn hóa, NTM được Nhân dân đồng tình hưởng ứng: hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công làm đường, cầu nông thôn, thực hiện mô hình đèn đường trên các tuyến đường trục chính của xã, các tuyến đường liên ấp; tích cực tham gia giữ gìn môi trường như: xây dựng hầm biogas, hố xí hợp vệ sinh, hố rác gia đình, trồng hàng rào cây xanh; giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất tăng thu nhập... Kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn đổi mới, an ninh trật tự an toàn xã hội ổn định; kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên nâng lên.
Với những kết quả đạt được, Phước Hưng đề ra kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM theo quan điểm: XDNTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay; quyết tâm hoàn thành 03 tiêu chí còn hạn chế, hướng đến XDNTM nâng cao.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.