12/06/2020 05:58
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2020, đến nay, Cầu Kè đã có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM; kinh tế, xã hội chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Tuyến đường hoa (Hương lộ 50, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè).
Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới
Năm 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Kè ban hành Quyết định số 771-QĐ/HU, ngày 09/11/2011 thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM (có 23 thành viên, Trưởng BCĐ do đồng chí Bí thư Huyện ủy kiêm nhiệm) và thành lập tổ giúp việc cho BCĐ có 18 thành viên do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy làm tổ trưởng; phân công cụ thể cho từng thành viên BCĐ và tổ giúp việc phụ trách địa bàn. Cấp xã, có 10/10 xã thành lập BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016-2020, có 350 thành viên do Bí thư Đảng ủy các xã làm Trưởng BCĐ và phân công cán bộ chuyên trách phụ trách NTM. Đã có 100% ấp thành lập Ban Phát triển ấp, với tổng số 310 người. Bộ máy quản lý trong XDNTM các cấp từ huyện đến xã hoàn thiện và hoạt động theo quy chế, phát huy hiệu quả và năng lực quản lý. BCĐ các cấp đã kịp thời ban hành các văn bản như: nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề giai đoạn, hàng năm; các quyết định quy chế hoạt động, phân công…
Những ngày đầu năm 2020, trở lại thăm Châu Điền, xã có đông đồng bào Khmer (chiếm 80% dân số), chúng tôi phải ngỡ ngàng bởi sự đổi thay so với 02-03 năm về trước. Vùng quê với nghề nông là chính còn nhiều khó khăn trước đây, nay đã được “khoác áo mới” bởi các tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM. Hình ảnh những con đường các ấp rợp bóng cây xanh và hoa nằm đan xen bên những ngôi nhà khang trang, kiên cố như nói lên sự ấm no, đủ đầy của đồng bào Khmer nơi đây. Tuy là xã vùng xa, nhưng các trường học ở đây được phát triển cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy và học hiện đại. Hệ thống giao thông qua địa bàn xã đều được kiên cố hóa, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương.
Ông Huỳnh Công Há, ấp Trà Bôn bộc bạch: Bây giờ địa phương đổi thay rất nhiều khi được công nhận xã NTM. Đây là ấp có trên 95% đồng bào Khmer, nhưng người dân rất tích cực cùng tham gia hiến đất, hoa màu để thi công 04 công trình kênh nội đồng; các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 06 cây cầu, tổng trị giá trên 300 triệu đồng… cùng góp phần chia sẻ với địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Trên bình diện toàn huyện Cầu Kè, ngoài phát triển hạ tầng theo các tiêu chí của huyện NTM, tiêu chí vệ sinh môi trường chính là sự khác biệt so với những năm trước kia. Về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp”; hàng tuần, người dân và các ngành đoàn thể đều ra quân thực hiện “Ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh” để tạo cảnh quan, trồng hoa kiểng trên các đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải vào dịp cuối tuần đã trở thành phong trào lan rộng trong cộng đồng…
Thực hiện công tác đại đoàn kết trong XDNTM, bằng nhiều hình thức vận động, ban, ngành huyện đã vận động của các đơn vị, tổ chức tôn giáo, cá nhân, các nhà hảo tâm trong huyện đóng góp tiền và hiện vật, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo trong 10 năm qua (2011-2020) trên 37,8 tỷ đồng. Qua đó, xây dựng mới 366 căn, sửa chữa 07 căn nhà đại đoàn kết, trợ giúp học sinh nghèo hiếu học 27.339 lượt học sinh, thăm hỏi tặng quà 37.537 lượt hộ nghèo, hỗ trợ sản xuất 3.848 hộ, khám, chữa bệnh miễn phí cho 72.141 lượt bệnh nhân nghèo, xây 64 hố xí hợp vệ sinh, 108.514 phần quà nhu yếu phẩm (gạo đường, bột ngọt…), xây dựng giếng nước sạch...
Song song với triển khai các chương trình an sinh xã hội, huyện còn huy động các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia đóng góp vào các công trình, dự án phúc lợi của địa phương 21,648 tỷ đồng để xây dựng 124 cây cầu bê-tông, 34 đoạn đường, 348 căn nhà, và hỗ trợ, cứu tế cứu trợ đột xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ 16.542 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo.
“Quả ngọt” trong đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng
Để thực hiện các tiêu chí huyện NTM, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể đảm nhận từng tiêu chí; phát động phong trào thi đua “Chung sức XDNTM”, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân. Qua 10 năm triển khai XDNTM, Cầu Kè đã huy động trên 1.336,205 tỷ đồng (trong này, vốn ngân sách, vốn tín dụng gần 1.000 tỷ đồng; vốn Nhân dân đóng góp gần 300 tỷ đồng qua việc hiến đất, hoa màu, cây ăn trái, ngày công lao động; vốn doanh nghiệp gần 52 tỷ đồng…).
Do triển khai đồng bộ các giải pháp và cách làm phù hợp nên các xã trên địa bàn huyện đã sớm hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc của Nhân dân khi tích cực hiến đất hiến công trình, hiến công góp của, các công trình như đường giao thông, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao khu dân cư, trụ sở xã được xây dựng khang trang.
Năm 2011, hệ thống giao thông nông thôn của Cầu Kè rất khó khăn; với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân trong XDNTM. Đến cuối năm 2019, huyện đã xây dựng 11 tuyến đường liên xã (dài 24km); các xã có đường ô-tô đi đến trung tâm xã và kết nối liên thông với nhau. Xây dựng 74 tuyến đường liên ấp dài 137km và 327 tuyến đường ngõ xóm dài 390km; 12 tuyến đường trục chính nội đồng, dài 27km đã được thảm nhựa; 322 cây cầu bê-tông cốt thép và nhiều tuyến đường đal ngõ xóm đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, không còn lầy lội vào mùa mưa.
Cùng với đó, các xã trong huyện đã tập trung phát triển kinh tế toàn diện tạo tiềm lực xây dựng nông thôn phát triển bền vững; tuyên truyền, vận động Nhân dân đưa cây con, giống mới vào thâm canh; đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, phát triển nghề và làng nghề, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Tổng giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 193 triệu/ha/năm, tăng 72 triệu đồng/ha so với năm 2011. Trong đó, cây hàng năm 96,3 triệu đồng/ha/năm (cây lúa 84 triệu đồng/ha, cây màu 150 triệu đồng/ha, cây khác 55 triệu đồng/ha), tăng 17 triệu đồng/ha so năm 2011 (cây lúa 79,9 triệu đồng/ha, cây màu 96 triệu đồng/ha, cây khác 40 triệu đồng/ha); cây lâu năm 289,7 triệu đồng, tăng 119,7 triệu đồng/ha so năm 2011 (cây ăn trái 170 triệu đồng/ha, cây dừa 36 triệu đồng/ha).
Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 52,64 triệu đồng/người/năm (năm 2011 đạt 15,208 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí NTM giảm còn 2,51%; 10/10 xã đã được công nhận xã NTM, riêng 03 xã An Phú Tân, Ninh Thới và Thạnh Phú đang đề nghị công nhận xã NTM nâng cao.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.