18/07/2022 15:38
Đại biểu tham dự hội nghị.
Đến dự có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tham dự.
Về xây dựng nông thôn mới
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Trà Vinh có 06/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch năm 2022, có 02 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM là Cầu Ngang và Duyên Hải. Toàn tỉnh có 82/85 xã đạt chuẩn NTM, 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 06 tháng, công nhận được 19 ấp NTM và 09 ấp NTM kiểu mẫu, nâng tổng số đến nay có 627/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa - NTM, trong đó, có 32 ấp NTM kiểu mẫu; hiện có 215.266/231.588 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa - NTM.
Tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (tính đến tháng 6/2022) là 142 tỷ đồng; đã giải ngân 13,87 tỷ đồng. Các ngành, địa phương cũng tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.
06 tháng cuối năm, chỉ đạo các ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác thi đua, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, làm công tác XDNTM. Tập trung phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, tăng cường thu hút các nguồn lực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 - năm 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 07/7/2022 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình với tổng mức vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.711 tỷ đồng.
Những tháng cuối năm, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch năm 2022, các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch 05 năm và hàng năm thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của chương trình theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2022 (167 tỷ đồng), phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung của chương trình theo quy định, bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.
Chương trình giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Trà Vinh huy động triển khai thực hiện chương trình mục giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn huy động là 278 tỷ đồng. Trong năm 2022, tổng vốn huy động 31,8 tỷ đồng. Cơ quan thường trực đã tham mưu UBND tỉnh phân công các sở, ngành tỉnh quản lý, chủ trì triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo đa chiều; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ việc làm bền vững.
Những tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt từ 0,5% (so với tỷ lệ % hộ nghèo trong toàn tỉnh), trong đồng bào dân tộc Khmer giảm 01% trở lên (so với tỷ lệ % hộ Khmer nghèo trong toàn tỉnh); tỷ lệ hộ cận nghèo phấn đấu giảm 01% (so với tỷ lệ % hộ cận nghèo trong toàn tỉnh) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Các cấp, các ngành quan tâm, tuyên truyền vận động hoạt động xây dựng gia đình đến từng hộ gia đình, tổ chức bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo tiêu chuẩn, thủ tục, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công nhận 256.125/277.915 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; công nhận 745/756 ấp, khóm văn hóa, chiếm tỷ lệ 98,54%; có 1.139/1.219 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,43%.
Từ nay đến cuối năm, tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Chính phủ về quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ văn hóa” và các văn bản có liên quan. Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa các ngành liên quan, tạo thành sức mạnh tổng hợp và cộng đồng trách nhiệm, làm chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa.
Ông Lê Văn Hẳn điều hành nội dung thảo luận tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn chỉ đạo, thời gian tới, các ngành và địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để thấy được những ưu điểm, khuyết điểm. Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá các tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao, tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và nâng chất các tiêu chí đã đạt. Quyết tâm thực hiện 02 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn huyện NTM năm 2022; các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện, hỗ trợ 02 huyện đảm bảo đạt chuẩn NTM năm 2022.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gắn với các mô hình, điển hình thực tế. Lựa chọn các công trình thật cần thiết, bức xúc để đầu tư trước trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và đạt kế hoạch; tập trung thực hiện các tiêu chí liên quan đến thu nhập, giảm nghèo, môi trường; chú trọng tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, liên kết theo chuỗi giá trị đầu ra cho sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP.
Yêu cầu các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 phải có 01 hợp tác xã hoạt động thật sự hiệu quả và thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận sản phẩm VietGAP hoặc tương đương…
Tin, ảnh: THANH NHÃ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.