14/02/2021 09:43
Ông Võ Thành Khá, chủ cơ sở sản xuất bánh Ngọc Thu ở Khóm 1, Phường 2, thị xã Duyên Hải.
|
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 30 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao (sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2019). Đây là tín hiệu vui, cũng là cơ hội để người sản xuất tiếp cận vào thị trường hệ thống siêu thị, cơ hội để vươn tầm xa hơn vào thị trường ngoài nước.
Bánh bao chỉ là 01 trong 30 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của vợ chồng ông Võ Thành Khá và bà Tiêu Thị Mỹ Hằng, chủ cơ sở sản xuất Ngọc Thu ở Khóm 1, Phường 2, thị xã Duyên Hải. Bánh bao chỉ sản xuất tại gia đình được truyền từ bà ngoại của bà cho đến nay tồn tại hơn 30 năm, đến đời của bà Hằng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đây là niềm vinh dự của gia đình, tương lai mở rộng sản xuất phục vụ thị trường.
Theo bà Tiêu Thị Mỹ Hằng, trước đây, bánh bao chỉ sản xuất vào dịp tết Trung thu và tết Nguyên đán. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu khách hàng, bà đã không ngừng cải tiến nguyên liệu chế biến các loại đậu có hàm lượng dinh dưỡng thay thế những loại thịt, mỡ như trước; đồng thời nâng cấp đa dạng sản phẩm với nhiều mẫu mã, nhãn hiệu hấp dẫn người tiêu dùng, nhờ vậy sản phẩm bánh bao chỉ trở thành món ăn đặc sản của khách hàng trong và ngoài tỉnh. 03 năm gần đây, cơ sở tăng cường sản xuất bình quân trên 1.000 bánh/ngày, giá bán 70.000 đồng/cái bánh (420gram/cái), giải quyết việc làm hơn 10 lao động, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày; ngoài bánh bao chỉ, cơ sở còn sản xuất bánh trung thu. Vào dịp tết Nguyên đán, cơ sở tăng số lượng sản xuất bánh và thuê thêm lao động, từ 1.200 - 1.500 bánh/ngày, giải quyết 50 lao động. Trong vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cơ sở sản xuất thêm mặt hàng bánh bông lan phục vụ khách hàng nhu cầu làm quà Tết.
Bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở sản xuất mứt dừa sáp Cẩm Hằng kiểm tra người lao động đóng gói sản phẩm kẹo dừa sáp.
|
Vào dịp Tết không chỉ có bánh bao chỉ, mứt dừa cũng là món ăn khai vị của hầu hết mỗi gia đình, khi gia chủ “nhâm nhi” đối ẩm với khách bên tách trà xanh nóng thơm nồng. Mứt dừa là món ăn dân dã, đậm đà hương vị vùng quê. Trước đây vào dịp Tết, người dân mới thưởng thức được món ăn mứt dừa, những năm gần đây, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã đầu tư trang thiết bị chế biến sản xuất mứt dừa quanh năm. Đặc biệt là thời gian gần đây, việc chế biến mứt dừa sáp của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng, Khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ trái dừa. Và, đây cũng là sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao.
Bà Cẩm chia sẻ: những năm trước, trái dừa sáp chỉ sử dụng chế biến nước giải khát phục vụ du khách đến tham quan. Để nâng cao giá trị của trái dừa sáp và phát huy tiềm năng kinh tế của tỉnh, từ năm 2017 đến nay, bà đã sản xuất sản phẩm mứt dừa, kẹo dừa từ nguyên liệu trái dừa sáp, góp phần làm đa dạng sản phẩm trái dừa. Khi cơ sở chế biến thành công sản phẩm mứt dừa, kẹo dừa bà đã liên kết với người trồng dừa và thu mua 6.000 trái/tháng phục vụ thị trường Hà Nội, Quảng Bình và trạm dừng chân ở các tỉnh lân cận. Theo bà, công đoạn sản xuất chế biến dừa sáp khá công phu, đòi hỏi nhiều công đoạn nên sản phẩm chế biến khá ít bình quân vài chục ký trong tháng, đôi lúc lên vài trăm ký, giá bán 400.000 đồng/kg mứt dừa, 250.000 đồng/kg kẹo dừa, giải quyết việc làm 08 lao động. Vào 02 tháng cận tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất khoảng 01 tấn mứt dừa và kẹo dừa phục vụ thị trường Tết. Với bà Cẩm, người dân quê tôi quan niệm ngày Tết, thiếu quà bánh nào cũng được nhưng thiếu mứt dừa thì ngày Tết sẽ thiếu đi sự ngọt ngào và nồng ấm.
Bên cạnh khay bánh mứt vào ngày Tết, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày này. Bánh tét là món ăn dùng cúng đón ông bà trong ngày mùng 3 Tết. Tuy mỗi nơi có công thức chế biến và những biến thể khác nhau nhưng đều có nguyên liệu gạo nếp, thịt, mỡ, trứng vịt muối, đậu xanh, chuối, gia vị và lá ngót, lá cẩm dùng tạo màu bánh tét. Bánh tét 03 nhân (thịt, đậu, trứng muối) của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thảo và bà Lâm Thị Quyên ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang đã góp phần làm phong phú trong bữa ăn ngày Tết, mà sản phẩm bánh tét 03 nhân được công nhận OCOP hạng 3 sao.
Ông Thảo cho biết: gói bánh tét là nghề truyền thống của gia đình gần 20 năm qua, ban đầu gói bánh chủ yếu bán lẻ cho người dân trong xóm, thỉnh thoảng gói bán cho khách hàng đặt mua. Để bánh tét thơm ngon đáp ứng nhu cầu, sở thích của đa dạng khách hàng, ông chế biến bánh tét với nhiều loại khác nhau như bánh 3 nhân, bánh thập cẩm, bánh chay… Bình quân gia đình bán lẻ và bỏ mối tại chợ đầu mối trong tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh từ 100 - 200 đòn/ngày; giá bán lẻ từ 60.000 - 70.000 đồng/đòn. Ngày Tết, hộ kinh doanh sản xuất từ 1.000 - 2.000 đòn/ngày chủ yếu cung cấp theo đơn đặt hàng của khách hàng. Từ khi sản phẩm bánh tét đạt chuẩn OCOP, việc kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng ngoài tỉnh. Do đó, kế hoạch sản xuất bánh tét tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng hơn năm trước, giá bánh cũng tăng theo 10.000 đồng/đòn, do dịp cuối năm tiền thuê nhân công cao từ 0,3 - 01 triệu đồng/người/ngày.
Khâu gói bánh và cột bánh của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thảo (bên trái) ở ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.