12/07/2024 14:06
Anh Nguyễn Thanh Ngoan (bên trái) kiểm tra khả năng phát triển của vọp.
Đồng chí Trầm Tấn Phát, cán bộ Nông nghiệp - Địa chính xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: tại vùng đồng láng của 02 ấp La Bang Kinh và ấp Bà Nhì, từ năm 2018 đến nay được người dân tận dụng khai thác phục vụ nuôi thủy sản rất nhiều.
Bên cạnh nuôi tôm, một số diện tích nằm ven bãi bồi trên các tuyến kênh được hộ dân sinh sống gần đó tận dụng thả nuôi vọp với số lượng khá lớn. Khi phong trào nuôi thủy sản (tôm) bằng hình thức công nghiệp và quảng canh thường gặp nhiều rủi ro; mô hình nuôi vọp vùng đồng láng khá thích ứng với điều kiện của BĐKH như hiện nay.
Các hộ nuôi vọp ở xã Đôn Châu trong tổ hợp tác có đăng ký với Hội Nông dân được 25 thành viên/5.000m2. Thông qua nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã đầu tư 450 triệu đồng/21 thành viên nuôi vọp. Hiệu quả từ nuôi vọp mang lại cho người nuôi với “01 đồng vốn - 03 đồng lời”; trong khi đó, chi phí đầu tư không nhiều, phù hợp với các hộ gia đình có kinh tế ở mức trung bình.
Ông Nguyễn Văn Khởi, ấp La Bang Kinh, xã Đôn Châu cho biết: gia đình có khoảng 300m2 đất bãi bồi dọc theo kênh 9 Lọ nằm trong vùng đồng láng; hàng năm, vốn đầu tư để nuôi vọp giống từ 10 - 12 triệu đồng (23.000 - 25.000 con vọp giống). Sau gần 01 năm thả nuôi, cho sản lượng 1,3 - 1,5 tấn vọp và giá bán dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg (loại từ 15 - 18 con/kg); gia đình thu nhập trên 30 triệu đồng.
Khu vực bãi bồi, vùng đồng láng xã Long Vĩnh thuộc địa bàn các ấp Cái Cối, Kênh Đào, Vàm Rạch Cỏ, Xẻo Bọng… được nông dân tận dụng phát triển nuôi vọp khá mạnh. Hiện xã đã thành lập được Hợp tác xã nông nghiệp Long Vĩnh, với mô hình chuyên nuôi vọp. Hàng năm, sản lượng vọp thu hoạch trên địa bàn xã đạt hơn 100 tấn; qua đó, có 82hộ thả nuôi hơn 6,5 triệu con vọp giống/2,7ha bãi bồi.
Anh Nguyễn Thanh Ngoan, ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: vừa qua, gia đình thả hơn 600kg vọp giống/2.000m2 bãi bồi; dự kiến đạt sản lượng khoảng trên 1,5 tấn vọp thương phẩm. Để nuôi vọp hiệu quả, nên chọn giống lớn (40 - 60 con/kg; giá giống khoảng 15.000 đồng/kg) thời gian nuôi khoảng 01 năm; đối với vọp giống kích cỡ nhỏ (từ 80 - 100 con/kg; giá giống khoảng 18.000 đồng/kg) thời gian nuôi kéo dài từ 16 - 18 tháng và tỷ lệ hao hụt cao. Với mật độ thả phù hợp nhất là 250 - 300kg vọp giống/1.000m2 .
Cũng theo anh Nguyễn Thanh Ngoan, đối với vùng đất bãi bồi ở Long Vĩnh có nguồn nước theo 02 mùa (mặn - mùa khô hạn và ngọt - mùa mưa), nguồn phù sa nhiều nên vọp nuôi phát triển rất tốt và ít hao hụt trong quá trình nuôi (dưới 10%). Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp nên mở rộng đối tượng vật nuôi thủy sản để đầu tư cho nông dân vùng đồng láng phát triển kinh tế hộ. Chi phí vốn đầu tư cho hộ nuôi vọp không lớn, khoảng 40 triệu đồng/hộ là có thể thả nuôi được với diện tích 1.500 - 2.000m2 bãi bồi.
Đồng chí Sơn Sô Phiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh cho biết: trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn; để tạo điều kiện cho hội viên và nông dân phát triển kinh tế hộ, Hội đã đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng cho 08 hộ/200 triệu đồng và mô hình nuôi cá bông lau cho 10 hộ/700 triệu đồng. Thời gian tới, xã cũng kiến nghị Hội Nông dân tỉnh, huyện mở rộng đối tượng vật nuôi để đầu tư phù hợp với điều kiện của địa phương; trong đó, có mô hình nuôi vọp ven bãi bồi, vùng đồng láng…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.