23/04/2022 07:01
Sau khi được vay vốn, ĐVTN đã mở rộng quy mô sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Kim Sa Mơ, ấp Lò Ngò, xã Song Lộc là một trong những hộ vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản.
Anh Mơ cho biết: gia đình anh thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất, quanh năm sống bằng nghề làm thuê. Mặc dù 02 vợ chồng đã chịu khó làm ăn nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. 02 năm trước, được địa phương tạo điều kiện hỗ trợ căn nhà đại đoàn kết. Cùng với đó, gia đình anh được Xã Đoàn tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế gia đình. Với số vốn 30 triệu đồng, anh mua 01 con bò để nuôi sinh sản. Ngoài ra, anh nhận “nuôi rẽ” 01 con bò mẹ của hàng xóm và đi làm thuê thu nhập 200.000 đồng/ngày. Mặc dù cuộc sống gia đình hiện nay cơ bản ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo, nhưng anh mong muốn được tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, tăng đàn bò nuôi.
Nguồn vốn chính sách là cơ sở ban đầu giúp ĐVTN thực hiện ước mơ làm giàu. Nhận thấy trên địa bàn có tiềm năng để nuôi bò, cùng với lợi thế chủ động rơm rạ sau thu hoạch 03 vụ lúa/năm của gia đình, nên anh Trần Văn Châu quyết định từ bỏ việc làm trước đó ở huyện Càng Long về lập nghiệp tại quê hương. Khó khăn bước đầu là nguồn vốn, nhưng anh Châu được Xã Đoàn tạo điều kiện tiếp cận vốn vay 20 triệu đồng để nuôi bò sinh sản.
Mô hình chăn nuôi của anh Trần Văn Châu.
Anh Châu cho biết: ngoài việc nuôi bò, anh đầu tư nuôi 02 con heo sinh sản. Mỗi đợt heo sinh sản, anh đều giữ lại để tập trung nuôi, xuất bán heo thịt 03 đợt/năm, với bình quân 10 con heo thịt/đợt. Song song với con heo, bò, anh tập trung chăm sóc hơn 0,5ha dừa. Khi tích lũy được vốn anh mua thêm bò mở rộng đàn nuôi. Hiện nay mô hình nuôi bò của anh Châu đã phát triển tốt và số lượng bò nuôi tăng lên 09 con, bình quân xuất bán 04 con/năm. Với mô hình tổng hợp trên đã giúp gia đình anh Châu vươn lên trở thành hộ khá với tổng lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Có thể nói, tuy nguồn vốn vay thông qua ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội không mới, nhưng đã nâng cao mức vay cho các hộ dân mà không phải thế chấp. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đầu tư trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập cao.
Một trong những ưu điểm nổi bật chương trình tín dụng ưu đãi đó là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện vay vốn tạo việc làm, tăng gia sản xuất, mở rộng quy mô kinh tế không buộc phải thế chấp tài sản. Vì thế, chương trình tín dụng ưu đãi đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn duy trì sản xuất; nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo anh Lê Hoàng Đạt, Phó Bí thư Xã Đoàn Song Lộc, đến nay Xã Đoàn đã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 1,5 tỷ đồng giúp ĐVTN phát triển kinh tế. Khó khăn hiện nay của địa phương, phần đông ĐVTN còn sống chung trong hộ gia đình chưa lập tư riêng nên việc tiếp cận chính sách ưu đãi còn hạn chế.
Để chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Xã Đoàn tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành liên quan chú trọng hơn nữa công tác chỉ đạo từ khâu thành lập tổ hợp tác, thủ tục vay vốn đến việc bình chọn cho các đối tượng vay để nguồn vốn tín dụng ưu đãi triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.
Ngoài ra, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế làm ăn có hiệu quả, đặc biệt là mô hình nuôi bò sinh sản ở ấp Nê Có, trồng màu ấp Khánh Lộc, nuôi cá lóc ấp Trà Uông. Đẩy mạnh chương trình thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông khởi nghiệp, giúp thanh niên định hướng nghề nghiệp và lựa chọn đúng đắn, tự tin tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh niên nhất là bộ đội xuất ngũ, thanh niên khuyết tật, thanh niên xuất khẩu lao động, thanh niên hoàn lương.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.