15/05/2023 07:23
Nhà vườn Lâm Thị Ngọc luôn túc trực bên máy bơm để tranh thủ lấy nước vào vườn mận của gia đình, trước tình hình khô hạn hiện nay.
Những năm gần đây, thông qua việc chuyển giao, tập huấn kỹ thuật và ứng dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”; IPM và tưới ngập - khô xen kẽ… đã được nông dân học tập, ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực về năng suất, tiết kiệm chi phí.
Đồng chí Huỳnh Văn Phép, công chức Địa chính - Xây dựng xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: sau khi được Trường Đại học Trà Vinh triển khai sử dụng thiết bị từ trụ đo độ ẩm được đặt ngoài ruộng và giám sát qua smartphone; hiện đã có 100% nông dân trong vùng kênh bê tông nổi Cầu Tre thực hiện sản xuất lúa theo mô hình ngập - khô xen kẽ với diện tích 110/101ha. Đến vụ lúa hè - thu năm 2023 đã có gần 70% diện tích sản xuất lúa của xã (1.500ha) được nông dân ứng dụng mô hình tưới ngập - khô xen kẽ. Hiệu quả giúp nông dân tiết kiệm chi phí bơm tát, giúp lúa nở bụi tăng lên từ 10 - 15% và hạn chế lúa đổ ngã.
Trước tác động BĐKH trong những năm gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp với vùng ven biển và cuối nguồn tiếp ngọt, hiện gặp nhiều khó khăn trong việc trữ ngọt để phục vụ sản xuất cho cây trồng khi vào mùa khô (từ tháng 02 đến tháng 5 hàng năm).
Nhà vườn Lâm Thị Ngọc, ấp An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: những năm gần đây, việc sử dụng nguồn nước bơm tát không còn thoải mái như trước đây; việc bơm tát gặp nhiều khó khăn do nước mặn thường xuyên lấn lên vàm Bến Cát, nên cống Bông Bót phải thường xuyên đóng để ngăn mặn. Do đó, các nhà vườn phải chủ động về nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, riêng gia đình có 0,35ha đất trồng mận An Phước, do cây mận sử dụng nguồn nước tưới nhiều hơn các cây trồng khác, nên khi địa phương triển khai việc nạo vét kênh (ngay phía trước nhà) để cung cấp nước cho gần 30 hộ trồng cây ăn trái ở khu vực này, gia đình hưởng ứng rất cao, vì đây là quyền lợi cho nhà vườn. Ngay từ tháng 02 là gia đình phải đặt máy bơm có công suất lớn và đường ống dẫn dài hơn 200m để bơm nước từ con kênh phía trước nhà đưa lên vườn, do khu vườn nằm phía giữa đồng.
Sử dụng nguồn nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính người sản xuất (giảm chi phí bơm tát), còn góp chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay “bảo vệ nguồn tài nguyên nước”. Có thể nói việc sử dụng nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp theo các hình thức như tưới lan, tưới ngập… đang dần được người sản xuất thay thế bằng mô hình tưới phun sương, tưới tiết kiệm (nhỏ giọt) kết hợp nhà lưới hay mô hình tưới tuần hoàn khép kín trong VAC (vườn - ao - chuồng).
Hiện nay, mô hình sử dụng nguồn nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (trồng màu) đang được Hội Nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải triển khai khá tốt cho hội viên và nông dân từ nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp + vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (100 triệu đồng/hộ/1.000m2 nhà lưới + hệ thống tưới tiết kiệm). Qua đó, đã có 15 nhà lưới được đầu tư cho nông dân để ứng dụng vào sản xuất.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.