17/12/2024 10:17
Cống Rạch Bần (huyện Trà Cú) là 01 trong 34 cống thực hiện điều tiết nước từ Kênh 3 Tháng 2.
Ghi nhận trong thời gian qua, do tác động của BĐKH, nên việc điều tiết nguồn nước ngọt từ phía Sông Hậu gặp nhiều khó khăn; cùng với đó, việc triển khai xây dựng hệ thống kênh mương, các công trình lấy nước và tiêu nước nội đồng chưa đồng bộ dẫn đến nguồn nước không đảm bảo theo yêu cầu sản xuất theo từng giai đoạn.
Thông tin từ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, qua tổng hợp rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, thì hiện nay cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng khoảng 85% nhu cầu sản xuất trong điều kiện bình thường.
Việc triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 34 cống điều tiết nhằm khắc phục những tồn tại của hệ thống thủy lợi hiện tại, phục vụ sản xuất theo hướng đa mục tiêu, ứng phó với BĐKH, góp phần ổn định sản xuất, ổn định đời sống dân cư trong tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Dự án 34 cống có tổng vốn đầu tư hơn 358 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 323 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương); thiết kế kỹ thuật loại cống hở, trong đó, có 04 cống cửa 10m, 03 cống cửa 7,5m, 21 cống cửa 06m và 06 cống cửa 05m. Dự án góp phần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất (khoảng 26.000ha) và dân sinh trên địa bàn các huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải; qua đó đã khắc phục một số vấn đề về hạn, mặn, ngập úng đối với các công trình điều tiết để đảm bảo đủ và sử dụng hiệu quả nguồn nước theo từng giai đoạn cụ thể. Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên cây lúa việc đưa vào vận hành dự án 34 cống tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chủ động nguồn nước.
Nông dân Thạch Phia, ấp Chợ, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết: tại khu vực ấp tiếp giáp trên tuyến Kênh 1 (đồng trước) sau khi có công trình cống được xây dựng và đưa vào vận hành, đã tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất lúa trong việc tiếp và trữ ngọt vào mùa khô.
Nông dân Kiên Hạnh, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang cho biết: gia đình sản xuất hơn 0,8ha lúa (03 vụ/năm), thường gặp khó về nguồn nước trong cuối vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu. Hiện tại khu vực ấp vừa đưa vào công trình cống Sóc Cụt 1; đối với các hộ sản xuất lúa ở đây phần lớn phụ thuộc vào lượng nước từ kênh Thống Nhất về sẽ được điều tiết vào trong nội đồng, nên khi mùa khô, cống đóng sẽ thuận lợi cho nông dân trữ nước.
Theo đồng chí Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: trên địa bàn huyện có 14/34 cống được triển khai dọc theo tuyến Kênh 3 Tháng 2 và Quốc lộ 54 thực hiện trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ cho các địa phương vùng tiếp giáp ven biển. Với các công trình thủy lợi được đầu tư đã cơ bản đảm bảo việc ứng phó với tình hình BĐKH trong sản xuất nông nghiệp, nhất là thời điểm từ tháng Giêng đến tháng 5, tháng 6 hàng năm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Từ phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” do Trung ương Hội phát động trong từng giai đoạn cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều phong trào và các cuộc thi đua ngắn, cùng các cuộc vận động nhằm thực hiện những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột xuất trên nhiều lĩnh vực của Hội và của địa phương, nhất là vai trò của Hội Cựu chiến binh (CCB) tham gia bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, góp phần tham gia XDNTM của tỉnh.