03/03/2021 13:04
Nông dân Huỳnh Văn Hưởng với mô hình trồng chanh dây BR1 có liên kết theo chuỗi giá trị.
TPTV có 09 phường và 01 xã, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có khoảng gần 3.600ha, phân bổ chủ yếu trên địa bàn Phường 9 và xã Long Đức. Tiềm năng nông nghiệp trên địa bàn TPTV đa dạng, phong phú; điều kiện về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Với lợi thế là trung tâm của tỉnh, TPTV còn có điều kiện tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn TPTV giai đoạn 2019-2020, tập trung cho nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị thích ứng với biển đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái... giá trị sản xuất nông nghiệp ở thành phố tăng bình quân 4,5 - 5,0%. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đất nông nghiệp năm 2019 đạt 140 triệu đồng/ha (kế hoạch phấn đấu là 135 triệu đồng/ha); năm 2020 là 153 triệu đồng/ha (kế hoạch phấn đấu là 150 triệu đồng/ha), vượt chỉ tiêu đề ra. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, TPTV đã tranh thủ đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng. Đến nay, TPTV cơ bản hoàn thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa, màu, hoa kiểng, khắc phục dần tình trạng thiếu nước vào mùa khô.
Dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng với TPTV - một đô thị xanh, kinh tế nông nghiệp không chỉ góp phần ổn định cuộc sống cho một bộ phận dân cư ở vùng ven, mà đó còn như là “vành đai xanh”, những mô hình đô thị sinh thái cho thành phố. Do vậy, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng, tăng chất lượng, TPTV hướng đến xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông sản, trọng tâm là các loại cây cảnh có lợi thế của địa phương. Cụ thể đối với ngành hàng hoa kiểng, để bảo tồn và phát triển làng nghề, phát triển mạnh vùng sản xuất hoa kiểng, từ 02 làng nghề hoa kiểng ở ấp Long Bình, Phường 4 và ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức (được công nhận làng nghề năm 2011) với tổng diện tích đất trồng hoa khoảng 27ha, đến nay đạt khoảng 30ha. Cùng với việc phát huy hiệu quả đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong nhân giống và canh tác một số loài hoa (hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa chuông, dạ yến thảo) do Viện Cây ăn quả Miền Nam chủ trì thực hiện tại 02 làng nghề hoa kiểng của thành phố, sản lượng sản xuất hằng năm (giai đoạn 2019-2020) ở 02 làng nghề gần 600.000 chậu hoa kiểng các loại và 2.000 chậu hoa mai, kiểng bonsai; giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động trực tiếp tại địa phương và nhiều lao động gián tiếp thông qua các dịch vụ: đan bội, cắt tỉa, chăm sóc, tạo dáng cây cảnh, hoa kiểng (thu nhập bình quân khoảng 04 triệu đồng/người/tháng).
Cùng với sản xuất, TPTV đầu tư phát triển công nghệ chế biến nông sản, thủy sản và ngành nghề nông thôn. Cụ thể, năm 2019-2020, TPTV tổ chức 24 lớp dạy nghề, 04 lớp truyền nghề cho lao động nông thôn, có 667 lượt người tham dự. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp nông thôn phát triển như: đăng ký hỗ trợ website thương mại điện tử cho 03 đơn vị (hộ kinh doanh mây, tre, lá Nhất Tâm, Phường 1; Công ty TNHH MTV TM-SX Phú Quới, Phường 7; Công ty TNHH - TM rau sạch Minh Nhí); khảo sát hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh cho 07 cơ sở trên địa bàn Phường 1, Phường 2, Phường 5, Phường 9 và xã Long Đức; khảo sát đánh giá cơ sở sản xuất sạch hơn cho 03 cơ sở...
Toàn thành phố hiện có 09 hợp tác xã, 41 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của UBND TPTV, nội dung hoạt động của các hợp tác xã có nhiều đổi mới, có định hướng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Riêng các tổ hợp tác nông nghiệp tổ chức hoạt động cơ bản phù hợp với Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ “về tổ hợp tác”, phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế của địa phương, trong khi chưa có đủ điều kiện thành lập hợp tác xã thì việc phát triển tổ hợp tác là mô hình thích hợp để khắc phục có hiệu quả những mặt còn yếu của kinh tế hộ, kinh tế cá thể.
Ông Huỳnh Văn Hưởng, nông dân ở ấp Kinh Lớn, xã Long Đức chia sẻ: so với trước đây, làm nghề nông bây giờ khỏe lắm, có khoa học - kỹ thuật trợ giúp, năng suất, chất lượng nông sản khá cao. Điều nông dân chúng tôi lo lắng đó là đầu ra, sao cho ổn định, đừng để nông dân được mùa thì mất giá và ngược lại. Các mô hình kinh tế kiểu mới hiện nay như hợp tác xã, tổ hợp tác nên tập trung liên kết để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Ông Huỳnh Văn Hưởng hiện đang tiên phong thực hiện mô hình trồng chanh dây BR1 có liên kết theo chuỗi giá trị (liên kết với Công ty TNHH xuất nhập khẩu chanh dây leo Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm cho nông dân thực hiện mô hình).
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2021, TPTV tập trung phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Riêng đối với ngành hàng hoa kiểng, tiếp tục ổn định và tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất gắn với du lịch sinh thái ở Phường 4 và xã Long Đức; phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất hoa kiểng khoảng 10ha (ở Phường 1, Phường 4, Phường 8 và các ấp ở xã Long Đức); phát triển các dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất hoa kiểng như cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, giá thể, nghề đan bội, cắt tỉa, chăm sóc, tạo dáng cây cảnh, hoa kiểng.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.