22/09/2020 08:27
Nhà vườn Huỳnh Võ Trường An với mô hình dừa sáp + bưởi da xanh cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. |
Phát huy những kết quả đạt được của xã NTM, Đảng bộ xã Tam Ngãi tiếp tục tập trung đưa cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực, nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất, cùng với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ sinh học…
Nổi bật trong bức tranh toàn cảnh về phát triển kinh tế của địa phương là chương trình XDNTM. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2018, Tam Ngãi đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa cơ sở…
Bà Trần Thị Hồng Nhiên, Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi cho biết: nhiệm kỳ 2015 - 2020, cơ cấu ngành kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương đã xây dựng, mở rộng mô hình sản xuất theo hướng thị trường gắn với tiêu thụ. Quy hoạch và phát triển, khôi phục diện tích vườn cây ăn trái già cỗi, vốn là thế mạnh của Tam Ngãi. Trong đó, chú trọng đến những cây ăn trái có giá trị kinh tế như dừa sáp, mít changgai, bưởi da xanh, cam sành... đồng thời, hướng đến việc thu hút các cơ sở sản xuất thương mại - dịch vụ để giải quyết việc làm cho người lao động lớn tuổi, nông nhàn tại địa phương.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp năm 2020, địa phương vận động nhân dân chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được trên 10ha; cải tạo 10ha diện tích vườn cây già cỗi sang trồng thanh long, nhãn... nâng tổng diện tích vườn toàn xã hiện nay là 1.340ha.
Ngoài ra, nông dân trong xã còn đầu tư trồng mới 103.200 cây dừa (trong đó có 2.890 cây dừa sáp) góp phần đưa sản lượng trái dừa hàng năm của xã đạt trên 4,3 triệu trái và trên 22.000 tấn trái cây các loại; bình quân giá trị mang lại đối với cam sành 200 - 220 triệu đồng/ha; bưởi da xanh 250 triệu đồng/ha… để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thông qua thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Trà Vinh về ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020; Tam Ngãi đã xây dựng 06 dự án chuyển đổi, với tổng diện tích 40,75ha để trồng bưởi da xanh, dừa, dừa sáp….
Nói về hiệu quả trong mô hình chuyển đổi sản xuất, nhà vườn Huỳnh Võ Trường An (ấp Ngãi Nhất): gia đình có 1,1ha vườn cam sành xen măng cụt đã già cỗi, không còn hiệu quả kinh tế, từ năm 2016 - 2017 gia đình đã chuyển đổi sang trồng 120 cây dừa sáp kết hợp trồng 100 cây dừa xiêm và 500 cây bưởi da xanh theo mô hình 01 cây dừa xen 02 cây bưởi (khoảng cách trồng dừa 09m/cây) và được trồng theo hướng sản phẩm an toàn thông qua việc sử dụng các loại phân hữu cơ và thuốc sinh học. Hiện cho thu nhập bình quân khoảng 220 triệu đồng (dừa sáp+bưởi)/ha/năm, mô hình trồng xen bưởi và dừa đang được nhà vườn ở Tam Ngãi phát triển mạnh.
Cũng theo bà Trần Thị Hồng Nhiên, để nâng cao thu nhập cho người dân theo quy định của xã NTM, với hiệu quả kinh tế hiện nay từ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp mang lại cần được xã tiếp tục thực hiện theo hướng chuyên canh gắn với sản xuất hữu cơ, chăn nuôi sinh học. Qua đó, xã đã đầu tư Dự án trồng nấm bào ngư cho 19 hộ từ nuôi heo bị tiêu hủy chuyển sang, dự án trồng dừa sáp cấy phôi kết hợp nuôi thủy sản được 08 hộ, với diện tích 02ha thuộc 02 ấp Bưng Lớn B và Ngọc Hồ; mô hình chuyển đổi đất giồng tạp sang trồng gấc ở ấp Ngọc Hồ với 30 hộ đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Vận động cơ sở sản xuất hộ phát triển lên doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho 50 lao động nông thôn như Doanh nghiệp may Thuận Tín (ấp Nhất)…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.