08/11/2023 08:12
Mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của nông dân ấp Tân An Chợ, xã Tân An, huyện Càng Long.
Đồng chí Nguyễn Thị Bé Riêng, Bí thư Đảng ủy xã Tân An cho biết: năm 2023, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Tân An quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực xây dựng xã Tân An đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đạt nghị quyết của Huyện ủy đề ra.
Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xã tập trung chỉ đạo vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả.
Đến nay, trên địa bàn xã có gần 278,27ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi, trồng các loại cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng tổng giá trị toàn ngành của xã năm 2023 đạt 512,4 tỷ đồng.
Nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: mô hình nuôi bò sinh sản ở các ấp Đại An, Cả Chương, Tân An Chợ và Long Hội với tổng số vốn 480 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của nông dân Phạm Văn Lộc, ấp Tân An Chợ; mô hình trồng nấm rơm ấp Tân Tiến; tổ hợp tác nuôi cá lóc ấp Tân Tiến… Việc phát triển sản xuất tiếp tục được quan tâm, phương pháp phát triển sản xuất quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tiếp tục được mở rộng. Xã giữ vững Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Tiến với 60 thành viên, vốn điều lệ 164 triệu đồng; đến nay toàn xã có 14 tổ hợp tác với 201 thành viên, nhìn chung các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Trên địa bàn xã có 20 doanh nghiệp, 764 cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ.
Xây dựng đường đal nông thôn liên ấp Nhà Thờ - Tân An Chợ, xã Tân An, huyện Càng Long.
Đồng chí Nguyễn Thị Bé Riêng cho biết thêm: Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm chăm lo việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp người dân nắm vững các quy trình sản xuất, chăn nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cùng với đó, xã tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế của các ngành đoàn thể như: mô hình phụ nữ hùn vốn mua tol lợp nhà với 12 thành viên, tổng số tiền 138 triệu đồng; mô hình tiết kiệm hùn vốn mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngoài ra phụ nữ xã còn xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn ấp Trà Ốp, có 30 thành viên.
Mô hình Câu lạc bộ môi trường ở các ấp của Hội Cựu chiến binh xã thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân và vận động Nhân dân chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ, xóm sạch đẹp. Công an xã có mô hình tự quản; phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và các câu lạc bộ tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền cảm hóa giáo dục đối tượng tại gia đình và khu dân cư, giữ gìn trật tự an toàn giao thông; phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường… góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, kéo giảm tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội trên địa bàn xã. Tổng thu nhập bình quân đầu người của xã Tân An năm 2023 qua điều tra ước đạt 70,730 triệu đồng/người, đến nay xã Tân An còn 01 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội và 50 hộ cận nghèo, so với năm 2022 giảm 66 hộ.
Đồng chí Trần Thị Tuyết Sương, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xã Tân An cho biết: thời gian tới, xã tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo xã đảm bảo từng thành viên Ban Chỉ đạo có chuyên môn cụ thể, được phân công phụ trách từng tiêu chí để kịp thời tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách XDNTM có năng lực, nhiệt tình trong công tác để tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Tập trung rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, hình thành các mặt hàng nông sản có thương hiệu trên thị trường.
Tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp; triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2023 - 2025: Tân An phấn đấu xây dựng ấp Tân Trung đạt ấp NTM kiểu mẫu; phấn đấu thực hiện đạt trên 95% hộ gia đình văn hóa, NTM; nâng cao bộ mặt nông thôn của xã về kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên và hệ thống chính trị của xã ngày càng vững mạnh; thu nhập bình quân hàng năm đạt theo quy định; duy trì trên 95% người dân trên địa bàn xã có tham gia bảo hiểm y tế. Giai đoạn 2025 - 2030: Phấn đấu xây dựng xã Tân An đạt xã NTM kiểu mẫu; phấn đấu đạt 04/08 ấp của xã được công nhận là ấp NTM kiểu mẫu; phấn đấu thực hiện đạt trên 97% hộ gia đình văn hóa - NTM. Nâng cao bộ mặt nông thôn của xã về kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên và hệ thống chính trị của xã ngày càng vững mạnh; thu nhập bình quân hàng năm tăng theo quy định; xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện bảo trợ), phấn đấu đạt 97% người dân trên địa bàn xã có tham gia bảo hiểm y tế.
|
Bài, ảnh: KIM LOAN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.