14/07/2020 16:44
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: GTNT là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh mà còn mở ra cơ hội kết nối giao thương giữa các địa phương trong và ngoài huyện, các tỉnh lân cận. Nhiệm kỳ qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện đã ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển nhanh, bền vững, cụ thể: thực hiện 118km đường nhựa, 216km đường đal, nâng đến nay, toàn huyện có 202km đường nhựa, 488km đường đal. Xây dựng mới 109 cầu bê-tông cốt thép, tổng chiều dài 2.089m, nâng đến nay có 359 cây cầu, tổng chiều dài 7.096m. Tổng số vốn đầu tư 498,6 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương 198 tỷ đồng, vốn tỉnh trên 170 tỷ đồng, vốn huyện trên 95 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 11,5 tỷ đồng, vốn khác 23,6 tỷ đồng và Nhân dân hiến 24.147m2 đất để làm đường. Hiện 12/14 xã, thị trấn đều có đường ô-tô đến trung tâm xã, thị trấn và huyện (trừ 02 xã cù lao Long Hòa và Hòa Minh), nhiều hạng mục công trình cầu, cống, nâng cấp, tu sửa, gia cố mặt, nền được triển khai thực hiện, các trục quốc lộ, tỉnh lộ hầu hết đều được nâng cấp khá đồng bộ về mặt cầu, đường... 100% số xã đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019, đạt 44,55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,04%.
Ấp Đa Hậu, xã Phước Hảo có điều kiện phát triển nông nghiệp tốt nhờ yếu tố đất đai. Tuy nhiên, do giao thông khó khăn nên việc sản xuất nông sản hàng hóa trở nên khó khăn. Bằng nguồn vốn theo Nghị định số 35/2015/CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa, vừa qua xã được đầu tư tuyến đường đal ấp Đa Hậu với chiều dài gần 1,3km. Từ khi có đường đal vào ấp để kết nối với các ấp và trung tâm xã, nông dân trong ấp đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt, các sản phẩm nông nghiệp được tiếp cận thị trường thuận lợi.
Ông Lê Minh Tâm, ngụ ấp Đa Hậu phấn khởi cho biết: “con đường ấp Đa Hậu là đường đất, mưa xuống mặt đường sình lầy, khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Vừa qua, Nhà nước đầu tư xây dựng đường đal, người dân rất phấn khởi, học sinh đi học dễ dàng, người dân giao thương buôn bán hàng hóa nông nghiệp thuận lợi”.
Tiếp lời ông Tâm, ông Trần Văn Kiến, ngụ cùng ấp nói: “gia đình tôi có 0,4ha chuyên trồng màu. Giờ đây, có đường đal khang trang, màu trồng ra có giá cao hơn so với lúc trước, nông dân rất phấn khởi”.
Khi GTNT được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân huyện Châu Thành đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, thủy sản dễ dàng. Kết quả cho thấy, với sự chỉ đạo quyết tâm của các cấp, các ngành thông qua các biện pháp cụ thể, phù hợp, mạng lưới GTNT của huyện không ngừng được mở rộng, nâng cấp, đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Những bước đi hiệu quả của huyện Châu Thành trong khai thác các nguồn vốn vào công cuộc phát triển GTNT, tiến tới XDNTM đã góp phần tạo nên một hệ thống giao thông khá thuận lợi, giúp đảm đương vai trò “mạch máu” lưu thông cho quá trình sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản được thuận lợi.
Công trình thi công nâng cấp tuyến đường GTNT xã Hòa Thuận.
Ngoài những thuận lợi, việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn cũng còn một số khó khăn, hạn chế, như: ý thức của người dân đối với việc bảo vệ mặt đường, duy tu, bảo dưỡng vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; việc huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động; công tác tuyên truyền trong Nhân dân chưa kịp thời; kinh phí đầu tư còn hạn chế, địa hình khó khăn nên việc mở các tuyến đường mới gặp khó.
Để góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bà Thạch Thị Sa Thy cho biết thêm: trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn khảo sát thực tế tất cả các tuyến đường nông thôn trên địa bàn huyện, tận dụng tốt các nguồn vốn tập trung đầu tư vào các tuyến đường trọng điểm theo lộ trình, thứ tự ưu tiên để đal hóa, nhựa hoá các tuyến đường, tránh tình trạng đầu tư dàn trải không hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện GTNT theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các xã, thị trấn đạt tiêu chí về giao thông trong XDNTM tại địa phương.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.