06/01/2021 13:29
Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về kinh tế hợp tác, HTX cho hệ thống cán bộ quản lý nhà nước, khối đoàn thể và cộng đồng, với nội dung và phương thức phù hợp với từng đối tượng. Ngành cũng phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn có đủ kinh nghiệm thực tiễn để hỗ trợ củng cố, kiện toàn hoạt động các HTX.
Ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế hợp tác, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, ngành huy động các nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để tổ chức hợp tác, liên kết.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 02 năm 2019-2020, toàn tỉnh phát triển mới 50 HTX nông nghiệp, tuy đạt chỉ tiêu nhưng các HTX nông nghiệp trên địa bàn hoạt động không chất lượng. Số HTX hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể còn nhiều. Trong số 145 HTX nông nghiệp của tỉnh, chỉ còn 129 HTX đang hoạt động, 16 HTX phải ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Nguyên nhân là các HTX nông nghiệp ở Trà Vinh chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún với phương thức nông hộ, sản phẩm dưới dạng sơ chế, không nhãn hiệu, ít có sự liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Cùng với đó là những khó khăn do hạn chế về năng lực tài chính, khả năng quản lý, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ…
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển. Thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao và thành lập HTX, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có 146 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại 63 HTX nông nghiệp do nhà nước trả lương. Tỉnh cũng hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng thành lập mới 63 HTX.
Đến nay, đã có 15 HTX nông nghiệp được tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các HTX trong tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng đối với sản phẩm của HTX nông nghiệp; được tiếp cận vốn và quỹ phát triển HTX…
HTX nông nghiệp Rạch Lọp (huyện Tiểu Cần) được thành lập vào cuối năm 2016, hiện có 514 thành viên, tổng vốn điều lệ 1 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh như liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, bao tiêu đầu ra, dịch vụ thủy lợi nội đồng, khai thác quản lý chợ… Bình quân một năm, lợi nhuận tăng thêm cho thành viên HTX trên 750 triệu đồng.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Rạch Lọp cho biết, HTX có 03 lao động trình độ đại học về làm việc gồm 02 kỹ sư nông nghiệp và 01 kế toán, do nhà nước trả lương. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định này đã hết hiệu lực nên HTX mong muốn nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách này để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho HTX, giúp HTX hoạt động hiệu quả như thời gian qua.
THANH HÒA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.