19/03/2021 14:07
Nông dân Nguyễn Văn Vũ, ấp Huyền Đức cắt cỏ rơm vừa phục vụ nuôi bò, vừa tạo không gian rộng thoáng cho dưa hấu phát triển.
Trong 06 tiêu chí NTM đã đạt, có tiêu chí sản xuất, để thực hiện đạt tiêu chí sản xuất, huyện đã phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và ngành nghề nông thôn; quy hoạch từng tiểu vùng sinh thái gắn kết với từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện: vùng sản xuất lúa chất lượng cao diện tích 11.420ha ở các xã Nhị Trường, Trường Thọ, Hiệp Hòa, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Vinh Kim, Kim Hòa, Mỹ Long Bắc; vùng sản xuất đậu phộng diện tích 2.400ha ở các xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Hiệp Hòa, Mỹ Hòa; vùng sản xuất dưa hấu diện tích 500ha ở các xã Long Sơn, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc; vùng sản xuất tôm diện tích 4.280ha ở các xã Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Mỹ Hòa, Mỹ Long Bắc.
Theo đánh giá của lãnh đạo Huyện ủy Cầu Ngang, trong năm 2020, huyện phân bổ 01 tỷ đồng giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư thực hiện 02 dự án: Hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại xã Nhị Trường; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quy mô liên xã Trường Thọ, Hiệp Mỹ Đông, Thuận Hòa. Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi-măng và nuôi khảo nghiệm vèo lưới trong ao tại 02 xã Trường Thọ, Kim Hòa với tổng kinh phí 499,809 triệu đồng.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh thị trường, nhất là thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững trên diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, diện tích sản xuất an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện có khoảng 107,9ha (tôm, sản xuất theo quy trình VietGAP 9,5ha, lúa hữu cơ 92ha, rau an toàn 6,4ha). Đến nay, huyện có 03 sản phẩm được công nhận OCOP (khô cá đù nguyên con một nắng, bánh tét 03 nhân “thịt, đậu, trứng muối” bánh tét Trà Cuôn thập cẩm) và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định OCOP tỉnh công nhận thêm 07 sản phẩm.
Song song đó, huyện tập trung phát triển các loại hình kinh tế hợp tác để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ bằng cách thực hiện công tác mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả nổi bật, như sản xuất lúa hữu cơ ở xã Vinh Kim, Mỹ Hòa, Hiệp Hòa với diện tích 92ha; sản xuất lúa giống ở xã Hiệp Hòa, Trường Thọ, Nhị Trường với diện tích 85ha;… Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 67,22%. Đến nay, huyện đã thành lập 22 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012; trong đó, xã Mỹ Long Nam và Hiệp Mỹ Tây mỗi xã có 02 HTX; xã Nhị Trường có 03 HTX, xã Long Sơn có 05 HTX; các xã Hiệp Mỹ Đông, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa, Trường Thọ, Kim Hòa, Hiệp Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Thuận Hòa mỗi xã có 01 HTX. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đã có HTX nông nghiệp, riêng xã HTX nông nghiệp của xã Long Sơn (HTX nông nghiệp Thuần Việt) không hoạt động đang làm thủ tục giải thể.
Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, để hoàn thành chương trình xây dựng huyện NTM vào năm 2022, ngoài củng cố và nâng cao tiêu chí đạt được, huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án phát triển mỗi xã, thị trấn một sản phẩm, huyện phát triển mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, xây dựng vùng sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, cơ cấu lại lịch thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu theo từng tiểu vùng, từng thời điểm nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất, tăng nhanh và bền vững về thu nhập cho người dân. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục củng cố hoạt động của các loại HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn, tạo thuận lợi phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp ở nông thôn để thu hút mạnh các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ trong khu vực nông thôn, huyện ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ cơ khí phục vụ cho việc cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.