25/12/2020 08:42
Trồng hoa thạch thảo phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021- mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả của nông dân Phạm Ngọc Vĩnh, ấp Long Bình, Phường 4, TPTV.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2020-2025, TPTV đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, sẽ cơ cấu lại ngành nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng phát triển các ngành nghề mũi nhọn, có lợi thế so sánh, có thị trường ổn định, tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường. Xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho giai đoạn 2020 - 2025.
Cụ thể, đối với sản xuất công nghiệp, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mà thành phố có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động nông thôn như chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc, giày dép, sản xuất vật liệu xây dựng, vật tư ngành in, hóa chất,… khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. TPTV cũng sẵn sàng, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để đón nhận xu hướng chuyển dịch các ngành sản xuất, như cơ khí, lắp ráp điện tử, công nghiệp phụ trợ… thực hiện tốt các chính sách ưu đãi thu hút và kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài, tạo động lực cho các ngành công nghiệp phát triển. Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo Đề án “Phát triển mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Về thương mại - dịch vụ, từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại, như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, làm đầu mối giao lưu kinh tế thương mại. Phát triển mạng lưới chợ trên cơ sở cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ các khu vực trong thành phố, xây mới thêm các chợ ở những nơi có nhu cầu; kết hợp phát triển chợ với siêu thị và trung tâm thương mại, hình thành mạng lưới phân phối hợp lý, đáp ứng các nhu cầu khác nhau về mua bán, trao đổi hàng hóa, gắn với việc đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước và các dịch vụ hỗ trợ khác. Khuyến khích mở rộng các dịch vụ tư vấn, giúp các cơ sở công nghiệp và thương mại có định hướng sản xuất, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh; kết nối đưa hàng hóa của địa phương vào hệ thống các siêu thị.
Lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đặc biệt là đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được xác định. Xây dựng, hình thành và phát triển vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các loại cây trồng có tiềm năng, thị trường tiêu thụ ổn định. Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, phù hợp định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị của thành phố như: thực phẩm sạch, hoa, cây cảnh, cá kiểng... các mô hình đô thị sinh thái vườn theo hướng nông nghiệp đô thị. Cùng với đó là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ các vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn; phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn theo hướng nhận diện truy xuất nguồn gốc...
Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, thực hiện Chương trình hành động số 18/CTr/TU, ngày 22/02/2017 của Thành ủy Trà Vinh về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp trên địa bàn TPTV đến năm 2020, TPTV đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, phát triển cân đối, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện Quyết định số 599/QĐ-UBND, ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh Trà Vinh “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, TPTV đã và đang hướng đến mục tiêu xây dựng TPTV trở thành một trong những thành phố trọng điểm phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những đầu mối phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có chiều sâu, gắn với XDNTM; tập trung đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tiếp tục phát triển nông - lâm - ngư nghiệp lên một trình độ mới, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng tăng chất lượng.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, TPTV đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPTV nhiệm kỳ 2015-2020 bằng các chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường... nhờ đó, kinh tế TPTV đạt được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 14,41%, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,38 lần so với 2015.
Phó Chủ tịch UBND TPTV bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi cho biết: với vị trí là trung tâm kinh tế của tỉnh, có điều kiện để phát triển kinh tế theo hướng đa dạng ngành nghề, TPTV đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng trên các lĩnh vực và các thành phần kinh tế. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng đều, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. TPTV hiện có 735 doanh nghiệp, hơn 7.000 cơ sở đang hoạt động (trong đó có 79 doanh nghiệp và 656 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp). Các ngành hàng thế mạnh của thành phố tiếp tục được duy trì và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ như: trà, cà phê, chả lụa, lạp xưởng, pa-tê, nước chấm các loại, nước uống đóng chai, cửa nhôm, cửa sắt, trần nhựa la - phong… có chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…
Theo Kế hoạch số 170-KH/TU, ngày 19/5/2020 “về thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TU, ngày 01/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Trà Vinh”, TPTV cũng đã xác định: các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM với phương châm “xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Hiện tại, TPTV đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư cho xã Long Đức duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.