10/09/2021 07:22
Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè xen canh cây màu trên đất chuyển đổi lúa sang trồng cam sành.
Trong sản xuất lúa đông - xuân năm 2016-2017 do ảnh hưởng mặn xâm nhập và khô hạn, việc sản xuất lúa của nông dân ở xã Thạnh Phú gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn (sản xuất lúa), nông dân Thạnh Phú đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất dần các diện tích canh tác lúa sang mô hình trồng cam sành.
Nông dân Nguyễn Văn Khanh, Ấp 3, xã Thạnh Phú cho biết: hiện nay, điều kiện sản xuất của địa phương khá thuận lợi cho việc chuyển đổi sản xuất, hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh. Gia đình đã chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa sang trồng cam sành, do cây cam ít sử dụng nước hơn cây lúa, vì vậy khi vào thời điểm khô hạn, lượng nước tưới của cây cam có thể tận dụng trong các mương nhỏ và giếng khoan, lượng nước chỉ bằng 40% so với trồng lúa. Bên cạnh đó, giá cam sành luôn ổn định, từ cuối năm 2020 đến nay dao động 14.000-16.000 đồng/kg, trừ chi phí, người trồng thu vào hơn 10.000 đồng/kg (khấu trừ vốn đầu tư 02 năm đầu, thời gian khai thác khoảng 04-05 năm) và năng suất trái từ 80-90 tấn/ha/năm.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: từ năm 2016-2017, diện tích trồng lúa toàn xã khoảng 850ha; tuy nhiên, do sản xuất lúa không hiệu quả và trước tình hình BĐKH, đầu vụ lúa thường bị khô hạn, mặn xâm nhập… từ đó, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam sành từ trên đất lúa. Qua hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi từng bước nhân rộng đến người dân trên địa bàn xã Thạnh Phú. Hiện toàn xã có trên 1.100ha vườn cây ăn trái (khoảng 850ha trồng cam sành) và diện tích lúa chuyển sang trồng cam sành được 800/850ha, hiện toàn xã chỉ còn khoảng 50ha sản xuất lúa. Đồng thời, tận dụng diện tích vườn mới chuyển đổi để luân canh cây màu, hàng năm gần 600ha góp phần giúp nông dân gia tăng giá trị kinh tế sản xuất.
Trong hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi sản xuất (lúa sang trồng cây ăn trái như cam sành, bưởi...), đến nay Thạnh Phú đã thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp theo Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh được 02 dự án trồng cam và bưởi, diện tích 145,82ha (năm 2020) và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 2021-2025), có 160 hộ đăng ký, diện tích 80ha.
Nông dân Nguyễn Văn Hoàng, Ấp 4, xã Thạnh Phú cho biết: trước đây gia đình chuyên sản xuất lúa, với diện tích khoảng 0,3ha. Từ năm 2017 đến nay đã chuyển sang trồng cây có múi (cam sành, bưởi) do tình hình sản xuất lúa không thuận lợi do diện tích sản xuất là đất gò, thường thiếu nước khi vào đầu vụ hè - thu. Sau khi chuyển sang trồng cây có múi, hiệu quả kinh tế tương đối cao và ổn định hơn trồng lúa. Nhưng chi phí đầu tư để chuyển đổi ban đầu khá lớn, do đó nông dân cần hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước và tín dụng.
Cũng theo ông Ngô Văn Sơn, để nâng cao hiệu quả sản xuất thích ứng BĐKH, địa phương còn tập trung triển khai hoàn thiện việc đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng và được tỉnh, huyện thi công nạo vét các tuyến kênh trục, như kênh Đầu Đất và kênh Ngã Hậu. Về lâu dài, xã đề nghị về UBND huyện xin chủ trương xây dựng trạm bơm kênh Bờ Gòn; xây dựng cống hở tại tuyến kênh Đầu Đất và kênh Ngã Hậu phục vụ trữ nước ngọt cũng như ngăn mặn xâm nhập. Tận dụng các diện tích ao hồ, mương vườn trong hộ dân để đầu tư mô hình nuôi cá tra (06 hộ nuôi ở Ấp 3 và Ấp 4), với với số lượng 20.000 con cá tra và 3.500 con cá tra dầu; mô hình nuôi tôm càng xanh lót bạt ni-lông, diện tích 2.700m2 mặt nước, với 40.000 con giống và mô hình nuôi lươn, với số 20.000 con giống/04 hộ (Ấp 4)...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.