11/09/2024 10:16
Xã Thạnh Phú được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 707/QĐ-UBND, ngày 13/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2023 được công nhận hoàn thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Quyết định số 1306/QĐ-UBND tỉnh. Cũng trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công nhận xã Thạnh Phú đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 163/QĐ-UBND, ngày 06/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh). Và, thực hiện Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025, xã Thạnh Phú được tỉnh chọn xây dựng xã NTM thông minh.
Đồng chí Ngô Thị Bạch Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: Thạnh Phú, được UBND tỉnh chọn xây dựng mô hình xã NTM thông minh nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Từ quan điểm đó, xã Thạnh Phú tập trung triển khai thực hiện 03 lĩnh vực “chính quyền điện tử định hướng chính quyền số”, “kinh tế nông thôn” và “xã hội số trong XDNTM”. Trên cơ sở đó, xã Thạnh Phú hiện cơ bản đạt các tiêu chí.
Đồng chí Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè khẳng định: Thạnh Phú xây dựng xã NTM thông minh nhằm nâng các tiêu chí NTM kiểu mẫu, phấn đấu có ít nhất 85% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn xã được nâng cao năng lực chuyển đổi số; 100% hộ có đăng ký kinh doanh và người dân thực hiện thanh toán trực tuyến bằng các hình thức chuyển khoản, quét thẻ; các doanh nghiệp tham gia quản lý, quản trị theo phương pháp hiện đại; chọn 01 hợp tác xã (HTX) xây dựng HTX thông minh toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm: tự động hóa, công nghệ số từ 95% trở lên...
Qua hơn 01 năm triển khai xã NTM thông minh, về chính quyền điện tử, hiện đã đáp ứng yêu cầu; UBND xã xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp, kênh tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân, giải quyết hồ sơ trực tuyến với 147 thủ tục hành chính, 23 lĩnh vực, thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của UBND xã, giúp người dân tiếp cận, tra cứu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Xã có 20/20 cán bộ, công chức có tài khoản sử dụng hệ thống i-Office trong quản lý điều hành tại xã và các cơ quan cấp huyện; được trang bị 16 bộ máy vi tính và 04 laptop có kết nối internet; sử dụng các phần mềm quản lý hộ tịch, dịch vụ công trực tuyến, đường truyền họp trực tuyến… ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, ứng dụng các phần mềm kế toán, hộ tịch, hệ thống dịch vụ công tỉnh (iGate)... Đặc biệt, 04/04 ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác triển khai Đề án 06, đáp ứng nhiệm vụ hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, thực hiện các dịch vụ số.
Kết quả về lĩnh vực “Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số” phải ghi nhận sự hỗ trợ của Viettel Trà Vinh, xã Thạnh Phú được tặng 02 kiosk, đặt tại khu vực hành chính công của xã và Công an xã; phục vụ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; trong đó, 100% thủ tục được công khai, tích hợp lên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; 08 tháng năm 2024, thực hiện 85 thủ tục hành chính một phần (mức độ 3), 44 thủ tục hành chính toàn trình (mức độ 4).
Về hạ tầng số, hạ tầng internet… xã Thạnh Phú kết nối bao phủ 04/04 ấp có mạng wifi miễn phí tại 12 điểm công cộng, phủ sóng mạng di động 4G/5G của Viettel, Vinaphone, MobiFone. Lắp đặt 12 điểm wifi đáp ứng chất lượng dịch vụ, các điều kiện kỹ thuật khai thác và an toàn, an ninh thông tin theo các quy định hiện hành; người dân nộp hồ sơ trực tuyến bất cứ nơi nào và nắm bắt khai thác các trang thông tin của xã. Toàn xã có 1.850/1.948 hộ có sử dụng thuê bao di dộng điện thoại thông minh kết nối mạng internet (đạt 95%), có 42/42 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã, lực lượng công an, quân sự và người tham gia công tác tại ấp sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet.
Cán bộ, công chức được phân công tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có 04 công chức, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công tỉnh được 1.362/1.508 lượt đạt 90,31%; trong đó, lĩnh vực hộ tịch 492 đạt 100%, văn hóa xã hội 126, đạt 100%, chứng thực 744/890, đạt 83,59 %
Về sản xuất, xã Thạnh Phú có 02 HTX (HTX nông nghiệp Thạnh Phú và HTX cây ăn trái an toàn Thạnh Phú), trong hoạt động, sử dụng phần mềm kế toán WACA, phần mềm quản lý sản xuất Facefarm, chữ ký số, xuất hóa đơn điện tử, áp dụng sản xuất tiên tiến: phun thuốc, tưới nước, tưới phân tự động bằng máy bay không người láy... HTX cây ăn trái an toàn Thạnh Phú, diện tích 10ha được cấp mã vùng trồng, giấy chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc… Năm 2024, xã đăng ký mô hình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP lĩnh vực chăn nuôi (vịt lấy trứng) tại Ấp 4, cơ sở Trương Văn Phước, với 9.000 con.
Đặc biệt, Ấp 2 - ấp thông minh, đảm bảo yêu cầu về kinh tế tự động hóa thực hiện trên 90%, người dân tiếp cận công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, mạng xã hội chính thống đạt 85,78%, trên 90% hộ dân thanh toán tiền điện qua các dịch vụ không dùng tiền mặt; có mô hình sản xuất nông nghiệp của tổ hợp tác trồng cam (33 thành viên), áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, góp phần giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao, nông sản an toàn.
Tại Ấp 3, trao đổi cùng chúng tôi, nông dân Nguyễn Văn chia sẻ: lúc đầu nói đến chuyển đổi số, sản xuất thông minh… nghe lạ. Nhưng khi tìm hiểu thì áp dụng được ngay; với 250m2 chuyên sản xuất màu các loại, tôi áp dụng tiết kiệm điện, nước (tưới phun sương). Nhờ đó, đã giảm thời gian tưới từ 60 phút (bằng hình thức kéo ống nhựa tưới), còn 30 phút, chỉ cần đóng CP, mở van là tưới. Hình thức tưới phun, vừa đảm bảo an toàn cho cây màu, vừa tiết kiệm điện, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Nông dân Thạnh Phú từng bước làm chủ về lĩnh vực chuyển đổi số, xã phối hợp Viettel Trà Vinh hướng dẫn người dân cài đặt app mobiAgri để theo dõi tình hình thời tiết, giá nông sản, kỹ thuật canh tác, phòng trị bênh.
Đầu năm đến nay phối hợp với Viettel hướng dẫn người dân cài đặt app Viettel Money để hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt, hiện 80% hộ dân có điện thoại thông minh đã được cài đặt; HTX được đầu tư máy sạ cụm để gieo sạ trong thành viên HTX, vụ lúa hè - thu 2024, có 18 hộ đăng ký mô hình sản xuất lúa thương phẩm kết hợp phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh 18,6ha.
Hiện chính quyền và người dân xã Thạnh Phú đã cơ bản hoàn thành xã NTM thông minh; đây là sự nỗ lực đáng trân trọng.
TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.