13/10/2024 20:32
Nông dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè chuyển đổi đất gò cao sang trồng dừa kết hợp luân canh màu.
Ngày 26/01/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, trong đó phát triển cây dừa, với sản lượng trên 02 triệu tấn. Đây là một trong những định hướng quan trọng để địa phương tập trung phát triển cây dừa trước những tác động của BĐKH ảnh hưởng nguồn nước như khô hạn, nước mặn xâm nhập…
Trong đó, việc đưa cây dừa vào trồng ở nhiều vùng đất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong những năm gần đây đã phát triển và mở rộng diện tích khá lớn. Đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh có khoảng 27.390ha diện tích trồng dừa (năm 2022 là 23.698ha/hơn 06 triệu cây dừa) và chiếm 56,22% diện tích cây lâu năm, đứng thứ hai của cả nước (sau tỉnh Bến Tre)...
Đối với các diện tích sản xuất ven tuyến Sông Hậu, sông Cổ Chiên nông dân phát triển diện tích trồng dừa khá lớn; cùng với đó, một số vùng thường ảnh hưởng của mặn xâm nhập, gây nhiễm mặn như huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải cũng được nông dân phát triển diện tích trồng dừa. Với đặc tính của cây dừa trước BĐKH, là cây trồng rất phù hợp với khuynh hướng phát triển trong thời gian tới.
Do khả năng chống chịu mặn (trên 10‰) của cây dừa khá tốt; việc sử dụng lượng nước tưới cho cây dừa khi vào mùa khô, có thể duy trì từ 01 - 03 lần/tuần (lượng nước giai đoạn cây cho trái 200m3/ha). Vì vậy, tại các thời điểm khô hạn nếu kéo dài, khả năng “cắt nước” trong sản xuất ở cây dừa cũng ít tác động so với các cây trồng khác.
Ông Thạch Vuône, ấp Bảy Xào Chót, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú cho biết: gia đình có hơn 02ha đất trồng mía, khu vực này thường bị nhiễm mặn. Ngoài trồng mía, xung quanh bờ bao, gia đình còn trồng hơn 100 cây dừa; tuy nguồn nước sản xuất phụ thuộc từ 04 - 05 tháng mưa và thời gian còn lại thường bị nước mặn xâm nhập; nhưng cây dừa trồng ở đây cho năng suất khá tốt. Trung bình, mỗi tháng gia đình thu khoảng 600 - 650 trái dừa/100 gốc, với giá bán hiện nay 90.000 đồng/chục; chi phí chăm sóc dừa không nhiều như trồng mía.
Trước tác động của BĐKH, bên cạnh cây lúa, thì cây dừa hiện là một trong những cây đem lại giá trị kinh tế chính cho nông dân đối với các vùng sản xuất ven Sông Hậu, sông Cổ Chiên như Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành... Việc phát triển cây dừa khá tốt và mang lại nguồn thu nhập khá cao, ổn định cho cuộc sống của các hộ dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Bạch, ấp Tân Thành Đông, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: cây dừa trồng rất ít bị rủi ro so với các cây trồng khác do ảnh hưởng của thời tiết như khô hạn hay nước mặn xâm nhập; đồng thời, chi phí đầu tư cho cây dừa rất thấp, chỉ chiếm khoảng 02 - 03%/tổng thu nhập để tái đầu tư cho chăm sóc vườn dừa như bón phân và bồi sình vào gốc dừa (01 năm/đợt). Với diện tích dừa của gia đình 02ha/450 cây và giá dừa hiện nay dao động 90.000 - 110.000 đồng/chục dừa (12 trái); gia đình thu nhập hơn 15 triệu đồng/ha/tháng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.