04/12/2020 09:06
Với gần 10 năm (năm 2009-2019) tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý khoa Nông nghiệp - Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh), anh luôn gắn bó với người chăn nuôi và từ những chuyến công tác trực tiếp ở cơ sở đã thoi thúc anh suy nghĩ, tìm ra các giải pháp hữu ích nhằm phục vụ cho người chăn nuôi và anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chăn nuôi vào tháng 6/2015 tại Trường Đại học Cần Thơ.
Tiến sĩ Lâm Thái Hùng trực tiếp cùng nông dân “cầm tay chỉ việc” cách chăm sóc bò thịt cho đồng bào Khmer ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải. |
Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý khoa Nông nghiệp - Thủy sản, “nhà khoa học” của nông dân - Tiến sĩ Lâm Thái Hùng đã xây dựng hàng chục dự án/đề tài nghiên cứu trong chăn nuôi đã được triển khai. Đặc biệt, công tác triển khai đưa khoa học - kỹ thuật đến với đồng bào Khmer về các kiến thức trong chăn nuôi, hay những mô hình/dự án mang tính thiết thực nhất, gần gũi với nông dân... từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi kỹ thuật cao, ứng dụng tốt về chọn lọc giống, nâng cao tầm vóc, chất lượng thịt trên vật nuôi. Thực hiện chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo phương pháp FFS cho nông dân; nghiên cứu đề tài cấp trường về “Ảnh hưởng của các mức độ năng lượng trao đổi và protein thô trong khẩu phần lên khả năng sinh trưởng của gà H'mông từ 00 đến 04 tuần tuổi”. Hay đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu “nâng cao tỉ lệ gà trống được nở ra khi tiêm hormone vào gà mái đẻ trên giống gà nòi thương phẩm”, kết quả tăng tỉ lệ gà trống được nở ra 20% so với tỉ lệ nở tự nhiên, làm tăng lợi nhuận cho người nuôi gà nòi…
Khi nói về những ý tưởng trong nghiên cứu, ứng dụng đề tài vào thực tế để thành công; Tiến sĩ Lâm Thái Hùng chia sẻ với chúng tôi: năm 2008, trong một lần công tác ở các xã của huyện Cầu Ngang, nhìn thấy nông dân sau khi thu hoạch xong đậu phộng, phần thân lá cây đậu ít sử dụng đến, bỏ đầy đồng. Thế là ngay sau khi về cơ quan, toàn bộ các tư liệu về cây đậu phộng cũng như số liệu phân tích các chất có trong cây đậu phộng, hàm lượng dinh dưỡng… đã được tổng hợp để làm cơ sở cho việc xây dựng đề tài “Nghiên cứu bảo quản và sử dụng thân lá và vỏ đậu phộng trong khẩu phần vỗ béo bò thịt”. Hiệu quả từ đề tài nghiên cứu trên đã được ứng dụng nhân rộng cho người chăn nuôi ở các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải… cho đến nay. Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện, động viên của bạn bè, đồng nghiệp, càng thoi thúc anh cố gắng hơn, mong muốn góp phần nhỏ bé giúp đỡ các hộ nuôi tại các xã khó khăn; nhằm đóng góp cho quê hương.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lâm Thái Hùng còn thực hiện hợp tác với các viện, trường ngoài nước của Canada, Hà Lan, Thái Lan và các viện trường trong nước như Viện Cây ăn quả miền Nam, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Viện Nuôi trồng Thủy sản Nha Trang. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Khoa Nông nghiệp - Thủy sản thuộc Trường Đại học Trà Vinh, Tiến sĩ Lâm Thái Hùng đã đề xuất phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và định hướng cho các cán bộ giảng viên của Khoa đề xuất và thực hiện nhiều đề tài cấp tỉnh. Ngoài ra, Tiến sĩ Lâm Thái Hùng còn công bố 37 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế về lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có 07 công trình thuộc tạp chí uy tín trên thế giới.
Không chỉ tâm huyết với công tác nghiên cứu khoa học, tháng 02/2020 đến nay, Tiến sĩ Lâm Thái Hùng được điều động về làm công tác quản lý với vai trò là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Tiến sĩ Lâm Thái Hùng tiếp tục đưa “cơ duyên” gắn bó với nông dân ngày càng rộng mở, anh cho biết: trước đây mình làm công tác giảng dạy, nghiên cứu… là những yếu tố thuận lợi để phát huy hiệu quả cho công tác quản lý chuyên ngành khoa học ở vị trí mới hiện nay. Trà Vinh là tỉnh nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, nhất là về chăn nuôi và trồng trọt, mặc dù tỉnh có tiềm năng về diện tích, vùng sản xuất… Vì vậy, thời gian tới, ở lĩnh vực khoa học để ứng dụng và nhân rộng cho nông dân, đơn vị cần xây dựng tốt mô hình liên kết: “nông dân+thị trường trong nghiên cứu-ứng dụng để thương mại hóa”, nhằm giúp người sản xuất cũng như địa phương việc nâng cao giá trị kinh tế từ đề tài/dự án sau khi ứng dụng mang lại. Để đạt được kết quả trong liên kết trên, đòi hỏi các ngành của từng lĩnh vực có liên quan và địa phương cần cùng nhau xác định nhu cầu cấp thiết ở từng đề tài/dự án đối những sản phẩm (vật nuôi, cây trồng, chuyển giao kỹ thuật…) theo định hướng của thị trường (sản xuất theo nhu cầu thị trường).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.