02/06/2022 13:55
Sau khi quán triệt Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 01/KH-UBND, ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh Trà Vinh “về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”; Ban Thường vụ Huyện ủy Tiểu Cần đã ban hành Kế hoạch số 03 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã ban hành hơn 550 văn bản, kế hoạch để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các giải pháp để khắc phục tạm thời tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác hiện hữu, lò giết mổ gia súc tập trung để phòng ngừa sự cố môi trường trong mùa mưa. Rác thải sinh hoạt, rác thải y tế được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động; hơn 05 năm qua các ngành, địa phương trong huyện phát động hơn 1.300 hộ cam kết thực hiện các hoạt động cải thiện cảnh quan môi trường, chỉnh trang đô thị; đăng ký xây dựng 38 tuyến đường xanh - sạch - đẹp, đồng thời huy động hơn 132.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân tham gia phát quang bụi rậm, vệ sinh ven các tuyến lộ với tổng chiều dài hơn 4.694km; thu gom khoảng 220 tấn rác thải; bố trí thêm 575 thùng chứa rác tại nơi công cộng; trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy các kênh, rạch, với tổng chiều dài khoảng 500km; trồng mới và chăm sóc hơn 131.000 cây xanh, hoa kiểng ven các tuyến lộ giao thông trên địa bàn huyện.
Tuyến đường tránh Quốc lộ 60 qua Phú Cần - thị trấn Tiểu Cần.
Nổi bật trong phong trào này là vai trò tiên phong, gương mẫu của Câu lạc bộ (CLB) Hội Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường; CLB phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông và nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần; CLB 5 không 3 sạch, CLB phụ nữ Khmer bảo vê môi trường; CLB Nông dân 03 tốt; phong trào Ngày thứ thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh của ĐVTN và công nhân, viên chức, lao động; CLB xung kích bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự ở xã Hùng Hòa; mô hình trực quan sân khấu hóa về bảo vệ môi trường; mô hình vận động nhân dân xây dựng tuyếnđường sáng - xanh - sạch - đẹp ở ấp Ô Ét - Bà Ép - Sóc Tre, Đại Trường xã Phú Cần cùng một số mô hình tiêu biểu khác.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo huyện phối hợp với Hạt Quản lý đường bộ 15.2 thường xuyên sửa chữa, phát quang bụi rậm che khuất tầm nhìn ven 02 bên các tuyến lộ với tổng chiều dài 30km; giải tỏa 76 mái che, bảng hiệu, di dời 12 lều quán lấn chiếm lòng, lề đường; sơn mới hơn 300 cọc tiêu trên các tuyến Quốc lộ 54, Quốc lộ 60, Tỉnh lộ 912, Tỉnh lộ 915; phối hợp Cục Quản lý đường bộ IV.4 khảo sát lắp đặt 65 biển báo giao thông, gờ giảm tốc; sơn vạch kẽ đường cho người đi bộ tại các điểm giao nhau, chợ, trường học, điểm công cộng, khu dân cư và các điểm đen tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Với những cố gắng đó, đến nay huyện Tiểu Cần đã công nhận 27 tuyến đường xanh - sạch - đẹp (dài hơn 45,5km) và 04 tuyến phố văn minh.
Đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm. Hơn 05 năm qua, huyện Tiểu Cần cũng đã phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; tập huấn kiến thức chế biến, bảo quản thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh; chế biến, bảo quản thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Thẩm định cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 962 cá nhân và 253 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm. Xác nhận cam kết bảo đảm an toàn cho 442 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế (đạt 100%); 217 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương (đạt 81,57%); 8.742 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp (đạt 100%); đồng thời cũng phát hiện gần 250 trong số 1.883 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm; chủ yếu là không thực hiện khám sức khỏe và xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; qua đó đoàn kiểm tra tiến hành xử lý các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Nhìn chung, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 01 của UBND tỉnh; đến nay diện mạo đô thị và nông thôn ở huyện Tiểu Cần có những chuyển biến tích cực; nhất là trên trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, cải thiện cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông. Kết quả đó đã góp phần đáng kể cho quá trình xây dựng thành công 09/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 07/69 ấp nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Tiểu Cần cũng được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thị trấn Tiểu Cần mở rộng được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên; tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được giữ vững và phát huy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng lề đường, lắp bảng hiệu, cơi nới mái che làm nơi mua bán gây mất an toàn giao thông; hiện tượng xây dựng nhà không phép còn diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về xây dựng; nhiều đoạn lộ bị hư hỏng, xuống cấp chưa khắc phục kịp thời, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, lập lại trật tự đô thị cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo cùng chung tay góp sức đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở dân cư, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự đô thị, an toàn giao thông.
Bài, ảnh: THANH QUANG
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.