13/07/2020 06:18
Mô hình trồng dưa của nông dân xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần ứng dụng công nghệ cao với quy trình khép kín trong nhà lưới.
Những năm qua, huyện Tiểu Cần đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang dần hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi cần gắn kết với vai trò kinh tế tập thể trong liên kết, là đầu mối để tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật…
Qua 05 năm chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực… hiện trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện. Trong này, chuyển đổi hơn 1.922ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang các cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn; trong này, sử dụng hiệu quả 24,5/162,9ha đất giồng cát để chuyển sang trồng màu. |
Theo ông Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần: là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp (cây lúa, cây dừa) và chăn nuôi, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy tối đa thế mạnh trong từng lĩnh vực. Đến nay, nhiều diện tích cây ăn trái, cây dừa tiếp tục được cải tạo và trồng mới theo hướng chuyên canh; đồng thời phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như quýt đường, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ… nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng vào canh tác, như: mô hình trồng dưa trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, sinh học trong sản xuất nông nghiệp sạch trên cây lúa, với diện tích 1.413ha hay mô hình lúa ngập-khô xen kẽ trên diện tích 13,9ha…
Tham gia thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò kinh tế tập thể đã gắn kết giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản và đặc biệt là giúp nông dân an tâm sản xuất, hướng tới liên kết, bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện hiện có 134 tổ hợp tác, với 3.785 thành viên (122 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực trồng trọt, 12 tổ hợp tác chăn nuôi); 12 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, với 1.894 thành viên viên, vốn điều lệ 8,13 tỷ đồng. Riêng vụ lúa đông - xuân 2019 - 2020, thông qua hoạt động của các HTX đã thực hiện liên kết hợp đồng với các doanh nghiệp để tiêu thụ lúa hàng hóa cho xã viên và hộ sản xuất được 1.539 tấn lúa.
Trong liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm theo hướng sạch, hữu cơ đã được HTX bưởi da xanh Hùng Hòa (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần) xây dựng sản phẩm theo hướng đạt chuẩn VietGAP, với diện tích 27,6ha; HTX nông nghiệp Rạch Lọp (xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần) xây dựng liên kết sản xuất lúa ứng dụng công nghệ phân vi sinh, hữu cơ vi sinh với diện tích trên 100ha; HTX nông nghiệp Tân Thành tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây dừa kết hợp ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ với diện tích trên 221ha…
Cũng theo ông Võ Quang Cường, để thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cần gắn với tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, cần tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân hình thành các tổ hợp tác, HTX để hướng người dân vào sản xuất có liên kết, hàng hóa quy mô lớn, ổn định và đồng nhất về chất lượng, hiệu quả, đảm bảo kết nối - cung ứng thị trường.
Đối với các chính sách của Trung ương, tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp cần sớm triển khai; nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho các nông sản hàng hóa chủ lực để nông dân - doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất… các ngành và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.