08/07/2021 10:31
Bà Trần Thị Tâm thu hoạch nấm bào ngư.
Theo bà Trần Thị Tâm, thành viên chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật trồng nấm bào ngư của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp quy mô liên xã huyện Tiểu Cần, qua tham quan học hỏi thực tế mô hình tại tỉnh Bến Tre, HTX đã tổ chức trồng thử nghiệm đợt 1 vào tháng 12/2020 với số lượng 5.000 bịt phôi nấm.
Bà Tâm chia sẻ, phôi nấm khi mua về được treo thành hàng trong nhà mát, có lối đi đủ rộng để có thể đi lại chăm sóc và thu hoạch nấm, mỗi hàng được xếp nhiều bịt phôi chồng lên nhau và được định vị bằng dây tép ni-lông rồi treo lên trần mái nhà. Các bịt phôi được treo khoảng 20 ngày cho meo nấm lan ra khắp bịt. Dùng vòi phun sương là bình xịt hoặc các loại bét phun sương gắn vào hệ thống nước tưới, phun kích nước cho thấm đều bịt phôi cho đủ độ ẩm, sau đó mở nút đậy đầu bịt phôi cho nấm mọc. Từ khi bịt phôi được kích nước đến khi thu hoạch lần đầu tiên là khoảng 05 ngày, sau đó mỗi ngày thu hoạch nấm 02 lần. Khi thu hoạch xong 01 đợt tầm 05 - 07 ngày thì tiếp tục đóng nút bịt phôi lại để cho meo nấm tiếp tục lan ra trong bịt phôi như lúc ban đầu. Cứ như thế lặp lại, lặp lại quy trình phun nước và thu hoạch nấm. Được biết, thường thì mỗi bịt phôi nấm có thể cho khoảng 07 kỳ thu hoạch nấm, nếu chăm sóc tốt.
Cũng theo bà Trần Thị Tâm, với số lượng 5.000 bịt phôi nấm đầu tiên trồng thử nghiệm của HTX đã cho thu hoạch 07 kỳ, khoảng 1,4 tấn nấm tươi thương phẩm. Giá bán nấm trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, HTX thu về 42 triệu đồng, lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Còn trong đợt 02 này, HTX gieo trồng vào khoảng tháng 4 âm lịch, với 2.500 bịt phôi nấm bào ngư. Hiện nấm đã và đang cho thu hoạch được 03 kỳ, với sản lượng khoảng 300kg, giá bán hiện tại là 40.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Tâm chia sẻ thêm, do còn sản xuất ở quy mô nhỏ nên nấm của HTX sản xuất ra chỉ đủ tiêu thụ ở chợ và các mối quen. Còn trong trường hợp nấm được sản xuất với số lượng lớn hơn thì Công ty cung cấp meo giống ở tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức thu mua lại nấm thương phẩm với giá dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Mô hình trồng nấm bào ngư là không tốn nhiều diện tích đất vì tận dụng được không gian để treo phôi nấm, nhẹ công chăm sóc, một lần trồng nấm cho thu hoạch được nhiều kỳ. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất nấm không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo được sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Sau khi thử nghiệm trồng 02 đợt nấm bào ngư nếu cho kết quả tốt, hướng tới HTX dự tính sẽ tiếp tục duy trì mô hình này, đồng thời sẽ tổ chức làm dịch vụ cung cấp meo giống cho nông dân có nhu cầu trồng nấm tại địa phương.
Có thể nói, nếu mô hình trồng nấm bào ngư thành công và được nhân rộng sẽ mở ra hướng đi mới cho HTX; đồng thời đem lại một cây trồng mới, giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: KHẮC PHÚ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.