21/07/2021 16:13
Một phần tuyến đê bao ven vàm Trà Cú đã được triển khai, góp phần chủ động ngăn triều cường, đảm bảo sản xuất.
Thông tin với chúng tôi, ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: huyện có khoảng 1/3 diện tích nằm thuộc khu vực đê bao Nam Mang Thít (trên 9.000ha đất tự nhiên, trong đó có 7.000ha đất sản xuất nông nghiệp). Nhiều năm qua, huyện đã kiến nghị tỉnh đầu tư hệ thống đê bao nằm ngoài Nam Mang Thít nhưng chưa được triển khai. Vì vậy, hàng năm khi vào những thời điểm mưa bão, khô hạn do địa phương chưa chủ động khép kín trong sản xuất nên gặp nhiều khó khăn, nhất là các diện tích chuyển đổi đất sản xuất mía sang trồng lúa; tập trung ở các xã Kim Sơn, Lưu Nghiệp Anh, Hàm Tân, Định An…
Để khắc phục thiệt hại do triều cường gây sạt lở đê bao và gia cố các tuyến đê bao, hàng năm, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh đầu tư cho Trà Cú khoảng 10 tỷ đồng; cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách huyện thông qua các nguồn vốn, như vốn thủy lợi phí cấp bù, vốn Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ về hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa… khoảng 03 tỷ đồng/năm để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện gia cố, khắc phục các điểm sạt lở, tu sửa bờ bao vừa cấp bách, vừa tạm thời.
Trong năm 2020, trên địa bàn huyện Trà Cú xảy ra sạt lở nhiều vị trí bờ sông, với tổng chiều dài khoảng 750m, tại khu vực Ấp Chợ (dài 80m), Ấp Vàm (dài 152m) xã Lưu Nghiệp Anh; ấp Xoài Rùm (dài 152m) xã Kim Sơn, Ấp Vàm (dài 270m) xã An Quảng Hữu, tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục trên 10 tỷ đồng. Về triều cường làm nước tràn vào khu vực bờ bao cục bộ 04 đoạn, dài khoảng 3.100m, bể bờ bao và sạt lở 12 đoạn (dài 1.340m) ở các xã Định An, Hàm Tân, Kim Sơn, Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu gây ngập úng cho 160ha cây mía, 46ha lúa, 05ha hoa màu các loại, l,74ha thủy sản (thiệt hại 350.000 con cá lóc; 01 triệu con tôm thẻ chân trắng) và ngập 55 căn nhà… ước thiệt hại khoảng 01 tỷ đồng.
Bà Thạch Đẹp, ngụ ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết: hàng năm khu vực này thường bị ảnh hưởng triều cường do nằm ven kênh Xẻo Lá. Riêng gia đình, cuối năm 2020, có hơn 0,2ha mía và căn nhà của gia đình ngập sâu trong nước gần 01m. Phần lớn gia đình và các hộ sinh sống ở đây thường xử lý tạm khi vào mùa mưa bão, triều cường bằng việc tự gia cố mặt đê bao cùng với đắp thủ công để chống chịu với triều cường. Nếu khu vực phía ngoài có cống sẽ an toàn hơn.
Đối với khu vực xã Kim Sơn là địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng từ triều cường do có địa hình nằm ven 02 tuyến sông lớn đi qua là kênh Tổng Long, vàm Trà Cú; riêng năm 2020, triều cường đã làm vỡ 19 điểm và sạt lở 07 điểm đê bao, dài 372m; qua đó, làm ngập 69ha mía, lúa 30ha và một số ao tôm nuôi kết hợp với lúa…
Theo ông Dư Sê Tha, cán bộ phục trách Nông nghiệp - Môi trường xã Kim Sơn: trong 06 tháng đầu năm 2021, địa phương đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đơn vị khảo sát thiết kế để tố chức thi công khắc phục 14 điểm bể, sạt lở do triều cường tại các ấp Thanh Xuyên, Trà Cú B, Trà Cú A, Bảy Xào Giữa.
Một tín hiệu khả quan cho các hộ sinh sống phía khu vực kênh Tổng Long (chủ yếu ở xã Kim Sơn) thời gian tới, một phần tuyến đê bao ven kênh Tổng Long sẽ được triển khai thi công. Theo ông Thạch Sô Phanh, dự án đê bao kết hợp với đường giao thông, điện có tổng kinh phí 20 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh làm chủ đầu tư. Công trình được phân kỳ trong 02 năm: năm 2020 với kinh phí 10 tỷ đồng và năm 2021 là 10 tỷ đồng, tổng chiều dài 2,5km. Công trình sau khi hoàn thành sẽ cơ bản khép kín một phần đất sản xuất ven kênh Tổng Long, phục vụ cho vùng nuôi thủy sản và trồng lúa.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.