07/03/2022 10:42
Hiệp Mỹ Đông: nỗ lực xây dựng xã NTM nâng cao
Đường về xã Hiệp Mỹ Đông.
Sau khi đạt chuẩn xã NTM, xã Hiệp Mỹ Đông tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao. Đến cuối năm 2021, xã cơ bản đạt 20/20 tiêu chí NTM và chờ công nhận.
Bà Lê Thị Mai Diệu, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông cho biết: xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, Đảng bộ và Nhân dân trong xã tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào cuối năm 2021. Để đạt mục tiêu này, xã tập trung vận động cán bộ và tầng lớp Nhân dân tham gia và nhận được đồng thuận của Nhân dân tích cực đóng góp ngày công, tiền, hiến đất,… nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn của xã ngày càng được nâng cao, mở rộng. Đến nay, trên địa bàn xã có 75,6% đường trục chính đã cứng hóa; 1.559/1.618 hộ được công nhận gia đình văn hóa, NTM, đạt 96,35%; có 05/05 ấp văn hóa, NTM.
Trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, xã chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường, thường xuyên ra quân vệ sinh cảnh quan môi trường trên các trục đường chính, chăm sóc các tuyến đường hoa của xã với tổng số tiền 200 triệu đồng. Trồng mới và trồng giặm 3.740 cây hoàng yến, cây trang, làm mới và sửa chữa cột điện, dây điện và bóng đèn, dài 10,99km. Ngoài ra, xã vận động người dân trồng cây cảnh, hoa làm hàng rào cổng và sân vườn,... qua đó, có 1.351 hộ thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào bằng cây xanh và cắt tỉa gọn gàng không gây cản trở giao thông, đạt 82,58%. Song song đó, xã xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại 100 hộ tham gia ủ phân vi sinh thực hiện phân loại và xử lý rác tại nhà. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và đã nhân rộng lên 427 hộ khác cùng thực hiện.
Song song đó, xã tập trung phát triển kinh doanh dịch vụ, đến nay trên địa bàn xã có 83 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 275 lao động, tổng doanh thu 22,36 tỷ đồng, tăng 9,8 tỷ đồng so năm 2015. Về thương mại - dịch vụ có 283 hộ thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động có việc làm ổn định, giá trị sản xuất năm 2021 đạt 65,3 tỷ đồng, tăng 22,1 tỷ đồng so với năm 2015.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: nuôi tôm càng xanh toàn đực ở tổ hợp tác Thành Công, ấp Rạch; nuôi tôm thâm canh mật độ cao sử dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas bảo vệ môi trường của nông dân Lê Văn Tích và Nguyễn Văn Thừa ấp Khúc Ngay; nuôi gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học của Tổ hợp tác nuôi gà ấp Cái Già Bến,... Đến nay, xã đã phát động Nhân dân thực hiện chuyển đổi 650ha cánh đồng sau; 120ha đất cánh đồng năng sản xuất tôm - lúa (vụ lúa kém hiệu quả) chuyển sang chuyên tôm và tận dụng bờ ao nuôi tôm để trồng màu, trồng cỏ nuôi bò... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao giá trị sản xuất của xã. Trong năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản đạt 510,042 tỷ đồng, tăng 301,12 tỷ đồng so với năm 2015. Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh việc cơ cấu lại giống vật nuôi trên địa bàn xã, qua đó hỗ trợ kinh phí xây dựng 36 công trình khí sinh học đối với các hộ nuôi có số lượng đàn vật nuôi đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhằm đảm bảo môi trường và thúc đẩy tăng số lượng đàn vật nuôi.
Xã Nhị Trường vượt khó vươn lên
Rẫy bắp giống của nông dân Kim Nuộng (trái), ấp Bông Ven, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang.
Nhị Trường là một trong những xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ được huyện chọn và chỉ đạo phấn đấu hoàn thành NTM năm 2021, trong năm qua, xã tập trung mọi nguồn lực cùng với sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp Nhân dân, nên đời sống của người dân trong xã ngày càng nâng cao. Đến nay, xã đạt chuẩn NTM và chờ tỉnh thẩm định công nhận, thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 3,72%
Điểm sáng trong XDNTM, phải kể đến thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, tập trung chỉ đạo vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Đến nay, xã đã phát động Nhân dân thực hiện chuyển đổi 213,8ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và trồng cỏ nuôi bò. Ngoài ra, xã đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững, nhất là liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam bao tiêu sản phẩm bắp giống của nông dân, tạo điều kiện nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm.
Trong thực hiện chuyển đổi đất chuyên lúa sang trồng 01 vụ bắp giống - 02 vụ lúa của nông dân Kim Nuộng, ấp Bông Ven, xã Nhị Trường đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận bình quân đạt trên 50 triệu đồng/ha/vụ màu. Ông Nuộng cho biết: với 0,8ha đất trồng lúa, từ khi chuyển đổi sang trồng 01 vụ bắp giống vào mùa khô, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng diện tích. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, khâu liên kết bao tiêu sản phẩm nên ông chuyển đổi đất lúa sang trồng thử 3.000m2 bắp giống bước đầu hiệu quả cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc liên kết trồng bắp giống, nên những năm tiếp theo ông chuyển thêm và tăng dần diện tích đất trồng bắp giống lên 0,6ha, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha.
Ông Trần Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết: tuy hiện nay xã cơ bản đạt chuẩn NTM và chờ thẩm định công nhận nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao và nỗ lực của hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân, thời gian tới xã tiếp tục huy động mọi nguồn giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt. Trong năm 2022, xã nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng nông thôn, đảm bảo thuận lợi phục vụ đi lại và sản xuất của người dân. Đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất, nuôi thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, tăng 07%/năm. Đặc biệt tiêu chí nhà ở, hiện xã còn 664 căn chưa đạt chuẩn, phấn đấu trong năm 2022 tỷ lệ nhà đạt 85%, xã vận động hộ dân tự khắc phục, sửa chữa nhà ở chưa đạt chuẩn; đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ của trên, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ dân gặp khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh đó, thực hiện liên kết đào tạo lao động nông thôn và vận động lao động tham gia xuất khẩu lao động, góp phần giảm hộ nghèo bền vững. Đồng thời đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo điều kiện cho hợp tác xã trên địa bàn hoạt động hiệu quả góp phần giải quyết đầu vào, đầu ra sản phẩm ổn định cho người dân.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.