27/06/2024 07:12
Chùa Phnôđôl (chùa Cò) là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch của Trà Cú.
Được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, sông nước miệt vườn, cùng với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo của các ngôi chùa Khmer đậm đà bản sắc dân tộc, là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.
Tính đến nay, Trà Cú có 86 di tích (trong đó, 04 di tích khảo cổ, 16 di tích lịch sử cách mạng, 66 di tích kiến trúc nghệ thuật) và nhiều thắng cảnh đẹp. Hiện, huyện được công nhận 06 di tích lịch sử cấp tỉnh, 01 di tích khảo cổ cấp quốc gia và 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác phát triển du lịch được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân, giúp thay đổi và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về vai trò, tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch địa phương. Qua đó, huyện đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng của Trà Cú.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, huyện Trà Cú có 01 điểm đến ấn tượng và thu hút rất đông khách trong ngoài huyện đến tham quan là khu du lịch Nhà Cổ 2, tại xã Đại An. Đồng thời, tiếp tục khai thác 06 điểm đến của huyện gồm: ẩm thực đặc sản quê Cô Diễm (xã Hàm Giang), cơ sở chế tác mặt nạ chằn, khỉ Kim Mạnh (xã Thanh Sơn), cơ sở may trang phục truyền thống Khmer Ngọc Song (xã Kim Sơn), nhà hàng Ritthy (thị trấn Định An), mô hình du lịch cộng đồng Rithy Farm (xã Hàm Tân), nhà hàng Bên Sông (ấp Trà Cú A, xã Kim Sơn). Bên cạnh, các điểm đến như: Nhà cổ Đại An 1, chùa Phnôđôl (chùa Cò), xã Đại An, chùa Vàm Ray (xã Hàm Tân), khu Di tích khảo cổ cấp quốc gia Lưu Cừ II (xã Lưu Nghiệp Anh),… thu hút khá đông du khách tham quan.
Theo đồng chí Thạch Kim Hạnh, Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Cú: ngoài các di tích lịch sử, Trà Cú có 37 chùa Nam tông Khmer với kiến trúc đẹp, thu hút nhiều khách tham quan, tìm hiểu. Trong đó, có chùa Phnôđôl từ lâu nổi tiếng với nhiều loài chim cò, chùa Vàm Ray có tượng Phật nằm lớn nhất miền Tây Nam Bộ.
Bên cạnh, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, lễ hội, làng nghề truyền thống, các đặc sản bánh dân gian và danh lam thắng cảnh, sông nước hữu tình… là tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch như: tìm hiểu văn hóa dân tộc gắn với hoạt động lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng gắn tham quan thắng cảnh, du lịch sông nước miệt vườn gắn với trải nghiệm đời sống người dân vùng nông thôn…
Đặc biệt, gần đây người dân tự phát làm điểm du lịch nông nghiệp Rithy Farm (xã Hàm Tân), Khu du lịch Nhà Cổ 1, 2 (xã Đại An), trong đó, Nhà Cổ 2 khoảng 02ha, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng là mô hình điểm du lịch mô phỏng Phố cổ Hội An thu nhỏ, dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn thu hút khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan/ngày. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gắn kết, hỗ trợ điểm du lịch nông nghiệp Rithy Farm về chính sách phát triển du lịch. Đồng thời, liên hệ, gắn kết với chủ thể điểm du lịch Nhà Cổ 1, 2 nhằm hỗ trợ chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh, tăng cường thực hiện các chính sách phát triển du lịch.
Song song đó, huyện đầu tư và đưa vào hoạt động phố ẩm thực đêm tại thị trấn Trà Cú, các dự án xây dựng và nâng cấp các chợ đã đầu tư và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, một số hạng mục về giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị… cũng được triển khai xây dựng, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, giao thông thuận lợi hỗ trợ cho các hoạt động tham quan du lịch.
Một hạng mục công trình tại điểm du lịch Nhà Cổ 2.
Được biết, trong 06 tháng đầu năm 2024, có khoảng 66.760 lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện, trong đó có khoảng 2.000 khách quốc tế. Đặc biệt điểm du lịch Nhà Cổ 2 xã Đại An thu hút trên 3.000 lượt khách/ngày vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Doanh du lịch thu ước đạt 23,37 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 56.600 lượt khách, trong đó có khoảng 1.700 khách quốc tế, doanh thu tăng 19,83 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khởi sắc cho du lịch Trà Cú, góp phần tăng nguồn thu cho địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, có tác động tích cực trong thực hiện các tiêu chí XDNTM nâng cao.
Tuy nhiên, theo đồng chí Huỳnh Thanh Lam, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Cú: hiện nay, du lịch Trà Cú vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng. Những năm qua, công tác du lịch chỉ dừng lại ở việc tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch hoặc khảo sát, nghiên cứu mà chưa có quy hoạch, định hướng phát triển du lịch lâu dài để khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, huyện xây dựng “Đề án phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, giúp cho Huyện ủy và UBND huyện nắm được những điểm mạnh, yếu của huyện, thời cơ và thách thức để chỉ đạo, từ đó xây dựng chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù: bảo tồn và đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống, hình thành các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của huyện phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như: nghề đan đát, dệt chiếu, thủ công mỹ nghệ... Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm khai thác các tour du lịch gắn với lễ hội truyền thống, các môn thể thao, trò chơi dân gian của đồng bào Khmer; hình thành các sản phẩm du lịch là nông sản đặc trưng như: bột nưa, trái quách, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chiếu Cà Hom, cốm dẹp và các loại rau, quả sạch, bánh dân gian... tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Đồng thời, giới thiệu 33 sản phẩm OCOP của huyện (02 sản phẩm đạt 4 sao, 31 sản phẩm đạt 3 sao), đặc biệt có một số sản phẩm mang đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer huyện như: bộ sa-lon tre, mặt nạ chằn, khỉ, bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ, bột nưa, cốm dẹp...
Theo “Đề án phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, Trà Cú đề ra mục tiêu đến năm 2025, nỗ lực đón được 225.000 lượt khách, doanh thu 80 tỷ đồng, đến năm 2030 đón 560.000 lượt khách, doanh thu 200 tỷ đồng. Hiện Trà Cú đang đẩy mạnh liên kết, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh phát triển lĩnh vực du lịch với định hướng lâu dài, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Cuối năm 2014, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và được UBND huyện Tiểu Cần công nhận lại “xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới” vào năm 2018. Năm 2022, xã được UBND tỉnh công nhận xã NTM nâng cao. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội Cựu chiến binh(CCB) xã.