20/07/2022 07:48
Đào tạo nghề, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Những năm qua, Trà Cú đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng cho nhiều đối tượng thụ hưởng, trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo, cận nghèo... đã giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hội viên phụ nữ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú tham gia lớp truyền nghề cho lao động nông thôn.
Huyện Trà Cú hiện có lực lượng lao động trong độ tuổi trên 134.000 người, là thế mạnh về nhân lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ổn định, tăng trưởng bình quân 05 năm (2016 - 2020) đạt 15,2%/năm (riêng năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng thấp hơn). Bên cạnh, có nhiều công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện, là nhân tố quyết định tạo việc làm mới. Huyện ủy, UBND huyện Trà Cú xác định giải quyết việc làm là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao đời sống người dân nông thôn, XDNTM.
Tuy nhiên, vấn đề lao động, việc làm của huyện vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, thách thức. Lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, một bộ phận lớn lao động có việc làm chưa ổn định, thu nhập thấp. Bên cạnh, lao động chưa qua đào tạo nghề còn nhiều, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hiệu quả từ hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm chưa cao, nguồn vốn hỗ trợ vay cho mỗi lao động còn thấp… nên chưa phát huy lợi thế nguồn nhân lực của huyện.
Tháng 4/2022, UBND huyện Trà Cú ban hành Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện Trà Cú giai đoạn 2022 - 2025, tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận nguồn vốn, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu của Đề án giai đoạn 2022 - 2025 là giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 12.000 lao động, trong đó hỗ trợ cho vay tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Cụ thể, hỗ trợ cho 240 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 1.760 lao động được giải quyết tạo việc làm thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ đó, góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp của huyện đến năm 2025 ở mức dưới 02% và các năm tiếp theo. Tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nhàn rỗi ở mức trên 90%, ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa tình trạng thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn huyện. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Đề án trong 04 năm khoảng 88 tỷ đồng.
Đối tượng được cho vay giải quyết việc làm tập trung vào các hộ gia đình nhằm nâng cao số lao động được giải quyết và chất lượng việc làm của người lao động. Tăng mức cho vay bình quân từ 40 - 50 triệu đồng để giải quyết việc làm cho 01 lao động. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Bà Tăng Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: trước đây, huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ủy thác qua các hội, đoàn thể đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các doanh nghiệp, dự án lớn là rất cần thiết, trong khi một bộ phận người dân địa phương còn khó khăn về kinh tế, không đủ khả năng đầu tư cho con học những nghề có yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, việc ban hành Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện Trà Cú giai đoạn 2022 - 2025 là rất cần thiết.
Tại hội thảo về tư vấn giới thiệu việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, ông Thạch Sa Tha (xã Thanh Sơn) từng trăn trở phát biểu: con tôi vừa tốt nghiệp lớp 12, biết gia đình không đủ điều kiện lo cho học đại học nên con đã chọn học nghề. Ông Thạch Sa Tha cũng mong muốn có nguồn vốn vay ưu đãi để lo cho con đầy đủ hơn trong thời gian học, sau này có việc làm sẽ trả dần, không phải vay mượn bên ngoài với mức lãi suất cao.
Hiện tỉnh có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên tham gia học nghề hoặc hợp tác lao động nước ngoài giúp những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn đầu tư cho con em học nghề, có việc làm ổn định và Trà Cú đang tập trung công tác này. Song song đó, huyện chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm thiểu tối đa tình trạng thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn huyện. Qua khảo sát, năm 2022, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã khảo sát và đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho 465 lao động có nhu cầu đăng ký học nghề. Trong đó, kỹ thuật xây dựng 186 lao động, trang điểm, thẩm mỹ 94 lao động, lắp đặt và sửa chữa điện gia dụng 134 lao động, sửa chữa máy nổ nông nghiệp 51 lao động).
Bên cạnh, các hội, đoàn thể cũng quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, góp phần thực hiện tốt định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết tốt việc làm. Đảm bảo cho người lao động trong độ tuổi, có khả năng lao động, sẵn sàng làm việc đều có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nền kinh tế.
Ngoài ra, người lao động có tay nghề sẽ có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã và phát triển khôi phục làng nghề truyền thống, từng bước cải thiện đời sống người dân nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí XDNTM của huyện.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.