21/08/2023 07:34
Chị Thạch Thị Thương, ngụ ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang thực hiện công đoạn cạo vỏ tre.
Theo đồng chí Trầm Thanh Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, huyện có 03 làng nghề được công nhận: Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, Làng nghề dệt chiếu Hàm Tân và Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang (tre, trúc, tầm vông), có gần 1.800 người tham gia lao động tại 03 làng nghề. Trong đó, 720 lao động thường xuyên, 809 lao động thời vụ.
Thực tế, lao động làm việc tại các làng nghề, cũng như làng nghề hoạt động hiệu quả sẽ tác động tích cực đến các tiêu chí XDNTM; có liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng: mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, để xây dựng huyện Trà Cú đạt chuẩn NTM vào năm 2023, cần gắn với xây dựng làng nghề, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những khó khăn, thách thức trong củng cố, nâng cao hoạt động của làng nghề của huyện, thì vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vật lực, kết cấu hạ tầng cho làng nghề là cần thiết. Do vậy, huyện đang cần những chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ làng nghề phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân nói chung, người làm nghề nói riêng.
Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/5/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 801/QĐ-TTg, ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND, ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh…
Trong 05 năm qua, huyện Trà Cú huy động các nguồn lực triển khai 17 hạng mục công trình giao thông trên địa bàn 03 xã có làng nghề, tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, dài 13,583km. Tuy nhiên, chưa đáp ứng và thúc đẩy nâng chất hoạt động và phát triển. Hiện nay, sản phẩm của 03 làng nghề chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề; chưa tạo chuỗi giá trị, chưa có hạ tầng tương xứng; trang thiết bị, công nghệ hoạt động chủ yếu thủ công kết hợp phương tiện máy móc thô sơ.
Đồng chí Trầm Thanh Hải cho biết thêm: qua khảo sát, tình hình sản xuất, kinh doanh của 03 làng nghề đạt giá trị sản xuất bình quân 36,95 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng (nhưng chỉ hoạt động vài tháng/năm). Trong đó, Làng nghề dệt chiếu Hàm Tân, đạt 5,2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang, đạt 12,25 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, đạt 19,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/lao động thường xuyên/tháng…
Đến nay, có 02/03 làng nghề: sản phẩm bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, đạt OCOP 3 sao (cơ sở Diệp Thị Trang); bộ sa-lon tre của Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang, đạt OCOP 4 sao (cơ sở Trì Cảnh).
Chị Thạch Thị Thương, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang tham gia khâu cạo vỏ tre, mỗi đoạn tre dài 02m, giá nhân công là 1.500 đồng/đoạn; mỗi ngày chị làm được 30 đoạn, tổng thu nhập 45.000 đồng/ngày. Với thu nhập này, chỉ đủ trang trải cuộc sống, không thể tích lũy. Do vậy, chị Thương chỉ tham gia lao động khi nhàn rỗi.
Lao động đang sản xuất giường tre tại cơ sở của ông Trì Cảnh, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang.
Qua tìm hiểu thực tế tại 03 làng nghề, các hộ theo nghề đều muốn đầu tư phương tiện, thiết bị sản xuất, công nghệ sản xuất mới; sản phẩm đầu ra hiện theo hình thức nhỏ, lẻ, tiêu dùng hộ gia đình; cần đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nghề, làng nghề. Những năm qua, công tác đào tạo nghề và truyền nghề còn hạn chế, chưa tổ chức tập huấn sâu để vững nghề, phần lớn sản xuất theo kinh nghiệm; chưa phát huy hết lợi thế của nhãn hiệu tập thể; chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với du lịch và các dịch vụ đi kèm, nhất là giới thiệu về làng nghề...
Do khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường còn thấp, trình độ quản lý và năng lực điều hành làng nghề chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu cơ chế kinh tế hiện nay. Mặt khác, những nghệ nhân thành thục nghề đều đã lớn tuổi. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu từ cây trúc, lác tại địa phương hẹp dần; do nhu cầu đất sản xuất, nuôi thủy sản; người lao động thu nhập thấp, không thu hút được đội ngũ lao động trẻ kế thừa.
Từ thực tế trên, các làng nghề đang cần nguồn vốn; cần được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình; cần đào tạo nghề cho lao động, nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề; mở rộng diện tích nguyên liệu lác, tre, trúc, cải thiện năng suất và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu dệt chiếu tại địa phương; đặc biệt, đầu ra sản phẩm.
Xây dựng, củng cố phát triển làng nghề là quá trình dài; Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là sản phẩm làng nghề đan đát, tạo điều kiện cơ sở ký kết hợp đồng trực tiếp, tránh qua các đầu mối trung gian. Hỗ trợ máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến vào một số công đoạn sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.
Sở Khoa học và Công nghệ cần có đề án trong các lĩnh vực có tiềm năng liên quan đến các làng nghề, nhằm tạo điều kiện cho lao động trong làng nghề được thụ hưởng những chính sách ưu đãi và phát huy hơn nữa hoạt động khuyến công địa phương.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.