16/08/2023 07:43
Đường nông thôn xã nông thôn mới Kim Sơn, huyện Trà Cú.
Thông qua các nguồn vốn của tỉnh và Trung ương hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của người dân vùng nông thôn. Qua đó, nhiều công trình giao thông và thủy lợi đã kết nối với vùng nội đồng để tạo thuận lợi cho nông dân vận chuyển hàng hóa nông sản; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trà Cú có tổng vốn đầu tư trên 26 tỷ đồng (năm 2022 trên 11 tỷ đồng; năm 2023 trên 15,26 tỷ đồng). Qua đó, đầu tư xây dựng 16 công trình các loại (09 công trình hoàn thành, 04 công trình thi công đạt từ 30 - 90%, 02 công trình đã bàn giao mặt bằng, 01 công trình đang lập hồ sơ mời thầu), 13 công trình duy tu.
Thông qua nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho XDNTM, riêng trên địa bàn xã Kim Sơn được đầu tư hơn 03 tỷ đồng để thực hiện 05 công trình giao thông, dài 4,45km ở các ấp: Trà Cú B, Giồng Xoài, Bãi Xào Dơi A… Đặc biệt, công trình đê bao ven kênh Tổng Long dài 06km (công trình đi qua các ấp Bãi Xào Giữa - Bãi Xào Dơi B…), tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh có ý nghĩa đặc biệt nhằm phục vụ sản xuất của người dân nơi đây; góp phần bảo vệ cho khoảng 1.200ha.
Ngoài đê bao kết hợp giao thông, công trình còn lắp đặt 2,139km đường điện hạ thế; 3,4km đường dây trung thế và 03 trạm biến áp (50kVA/trạm). Đến nay, công trình đã thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng 2,473/06km đê bao kết hợp với giao thông (đường đal mặt 03m); tạo thuận lợi cho người dân mở rộng và phát triển nuôi thủy sản (tôm thẻ chân trắng) khoảng 50ha từ đất trồng mía chuyển sang.
Đồng chí Tô Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết: trước đây, trên địa bàn xã thường xuyên chịu nhiều tác động bất lợi trong sản xuất do ảnh hưởng triều cường, mặn xâm nhập… Nhờ đầu tư các nguồn vốn của trên như giao thông, đê bao kết hợp giao thông; thủy lợi đã giúp nông dân từng bước chủ động trong sản xuất và chuyển đổi mạnh các diện tích mía sang nuôi thủy sản, trồng lúa. Trong này, hệ thống giao thông kết nối giữa các ấp vùng ven các tuyến kênh lớn như kênh Tổng Long, vàm Trà Cú… đã phá thế “độc đạo” cho người dân ở các khu vực này và kinh tế của đồng bào Khmer trong xã từng bước phát triển, chủ động trong sản xuất.
Lĩnh vực nông nghiệp, thông qua tác động từ các chính sách của Nhà nước, như nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ về quản lý sử dụng, đất trồng lúa năm 2023, huyện Trà Cú được hỗ trợ kinh phí trên 7,3 tỷ đồng để thực hiện xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, thủy lợi với tổng chiều dài hơn 20,4km; hỗ trợ lúa giống cho 1.288 hộ sản xuất với diện tích 1.417ha…
Công nhân thi công bọng tại công trình kênh thủy lợi ở ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú.
Theo đồng chí Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: đồng hành cùng với phong trào XDNTM, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, thông qua các nguồn vốn đầu tư hàng năm, Trà Cú đã tập trung triển khai thi công nhiều công trình thủy lợi, đê bao để phục vụ sản xuất (cây lúa, thủy sản…) góp phần kiểm soát xâm nhập mặn cho các năm tiếp theo nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do khô hạn, mặn xâm nhập gây ra.
Năm 2023, huyện đã triển khai thực hiện 109 hạng mục công trình thủy lợi nội đồng (kế hoạch 97 công trình), dài 51,6km; diện tích phục vụ tưới, tiêu cho 1.925ha, tổng giá trị xây lắp trên 10,2 tỷ đồng. Song song đó, các địa phương vận động nông dân hiến đất làm thủy lợi với diện tích trên 60,2ha (quy ra tiền đối ứng công trình thủy lợi nội đồng 1,8 tỷ đồng).
Nông dân Trì Chí Khang, ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú chia sẻ: từ khi có hệ thống thủy lợi kết hợp đê bao được triển khai đầu tư, người dân trong ấp đã dần chuyển đổi đất trồng mía sang trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản (tôm càng xanh); gia đình đã chuyển đổi 0,7ha mía sang nuôi tôm càng xanh - lúa. Hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với cây mía; người sản xuất đã chủ động được nguồn nước và hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra. Cùng với đó, các tuyến đường đal trong ấp được kết nối thông suốt nên nông dân vận chuyển lúa, vật tư nông nghiệp cũng thuận lợi.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.