04/02/2020 03:30
Nông dân Trà Cú tập trung đưa cây màu xuống chân ruộng, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nhan Ra Ni, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Năm 2019, tuy kinh tế của huyện còn gặp một số khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, các địa phương trong huyện tập trung cao độ trong chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, chỉ số phát triển sản xuất của huyện vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không chỉ về đích kế hoạch năm 2019 mà đảm bảo về đích chỉ tiêu nghị quyết cả nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Nhìn lại năm 2019, năm thứ 04 triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, phát huy tối đa những cơ hội, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng giá trị sản xuất thực hiện đạt 10.472,3 tỷ đồng, tăng 15,4% so cùng kỳ, đạt 103,1% kế hoạch. Trong đó, nông nghiệp - thủy sản đạt 4.218,9 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng đạt 3.214,7 tỷ đồng và dịch vụ đạt 3.038 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 3.625 tỷ đồng (tăng 143 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch), thu nhập bình quân đầu người 40,52 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm 2.460 hộ so năm 2018, hiện chỉ còn 1.891 hộ (chiếm 4,65%).
Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển mỗi xã, thị trấn một sản phẩm chủ lực gồm: Khô các lóc, khô cá sặt rằn (thị trấn Định An); cốm dẹp, ớt chỉ thiên, đậu phộng (xã Ngọc Biên); lúa giống (xã Tân Sơn); lúa chất lượng cao đạt chuẩn xuất khẩu ở các xã Phước Hưng, Tập Sơn, Tân Sơn, Ngãi Xuyên, Thanh Sơn, Tân Hiệp, Long Hiệp; môn sáp (Đại An); tôm thẻ chấn trắng (Hàm Tân, Định An); bò thịt (Ngãi Xuyên, Tân Hiệp); bắp giống (Long Hiệp, Hàm Giang); bột nưa, cây có múi (An Quảng Hữu); mía (Lưu Nghiệp Anh); sản phẩm đan đát, thủ công mỹ nghệ (Đại An, Hàm Giang, Hàm Tân). Trong đó, xây dựng kế hoạch phát triển mỗi xã, thị trấn một sản phẩm đạt chuẩn, tiếp tục duy trì và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn các xã. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.
Ông Nhan Ra Ni thông tin thêm: Trong số các sản phẩm chủ lực được chọn, năm 2019, huyện có 03 sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Trà Vinh gồm: Gạo Hạt ngọc rồng (Long Hiệp), sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre (xã Hàm Giang) và sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ thu nhỏ (xã Đại An). Song song đó, nhằm góp phần cải thiện đời sống nhân dân, huyện tập trung phát triển cây màu, tạo nhiều chuyển biến tích cực tại các vùng trồng màu thuộc các xã: Long Hiệp, Tân Hiệp, Hàm Giang, Tân Sơn, An Quảng Hữu với một số cây màu chủ lực như bắp, ớt, bí đỏ, môn sáp, rau các loại… Giá hoa màu năm 2019 ổn định ở mức cao, giúp người dân có thu nhập đảm bảo cuộc sống, nông dân quan tâm thực hiện mô hình trồng màu hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể tham gia vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng rau sạch. Chính quyền các cấp và ngành chuyên môn khuyến khích người dân mở rộng canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phát triển nhiều ngành nghề trên mảnh đất của mình, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập trên cùng đơn vị đất sản xuất. Ngoài ra, quan tâm triển khai các chính sách chăm lo đồng bào Khmer với những mô hình hiệu quả, thiết thực, được nhân dân hưởng ứng cao, nhất là mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, giúp phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, kinh tế, đời sống ở vùng sâu, vùng xa có chuyển biến rất tích cực.
Ông Trương Văn Sa, ấp Đồn Điền, xã Tân Sơn phấn khởi với thu nhập gần 40 triệu đồng từ 2.000m2 màu bán dịp tết Nguyên đán, ông chia sẻ: Với 2.000m2 đất, tôi luân canh trồng bắp, dưa leo, dưa hấu, rau cải… thu nhập khá ổn định. Mùa này tôi trồng dưa leo, khổ qua phục vụ thị trường Tết, cây trồng phát triển tốt, cơ bản thuận lợi, giá bán từ 10.000 - 16.000 đồng/kg, giúp gia đình tôi thu nhập kha khá, tuy làm cực nhưng đón Tết vui vẻ, sung túc. Năm nay, thấy ai cũng vui, ngày Tết chuẩn bị khá đầy đủ, nhà cửa trang hoàng, hy vọng năm mới trồng trọt thuận lợi hơn, đời sống kinh tế ngày càng ổn định, cùng chính quyền duy trì và nâng chất các tiêu chí XDNTM.
Là huyện có đông đồng bào Khmer, nên Trà Cú luôn chú trọng việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; điện, đường, trường, trạm, nước sạch phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần đáng kể trong XDNTM. Năm 2020, Trà Cú đề ra mục tiêu tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, XDNTM, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh, quan tâm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất và đời sống, thực hiện thắng lợi Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.