07/08/2023 10:48
Vợ chồng chị Thạch Thị Đa Vy vừa được hỗ trợ 01 con bò sinh sản từ Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”.
Để thực hiện hoàn thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023, đặc biết trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho người dân luôn được Đảng bộ và Chính quyền các cấp tập trung triển khai nhiều chính sách, nguồn lực để thực hiện các chương trình, an sinh xã hội, đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi sản xuất...
Thông tin từ Ban Chỉ đạo đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Trà Cú giai đoạn 2021 - 2025; đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo trên địa bàn huyện còn 4,47% (tương đương 1.938 hộ); hộ cận nghèo 6,68% (2.899 hộ); trong năm 2022, giải quyết việc làm cho 3.644 lao động (đạt 121,47% kế hoạch), đưa 140 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (tăng 70 lao động so với cùng kỳ), đạt 100% kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2023, phấn đấu giảm 1,73% hộ nghèo (tương đương 748 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 so với năm 2022. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1,52% (408 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 3,08% (1.334 hộ).
Đồng chí Lê Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trà Cú cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện tiếp tục triển khai nhiều nguồn vốn, dự án/chương trình để hỗ trợ, đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tiếp cận vốn phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi.
Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, sẽ có 410 hộ/15 xã, (gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo) được đầu tư nuôi bò sinh sản, hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng, với tổng vốn đầu tư trên 8,39 tỷ đồng và huyện sẽ tập trung giải ngân đạt 100% vào cuối quý III/2023.
Đến cuối tháng 7/2023, Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” đã triển khai tại 02 xã Long Hiệp và Phước Hưng; mỗi xã có 20 hộ và mỗi hộ được hỗ trợ 18,5 triệu đồng/01 con bò.
Chị Thạch Thị Đa Vy, ấp Chợ, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú là 01 trong 20 hộ vừa được hỗ trợ nuôi bò sinh sản, phấn khởi cho biết: gia đình thuộc diện hộ nghèo và vừa thoát nghèo, với nguồn vốn hỗ trợ trên, gia đình đã có 01 con bò sinh sản. Trước đó, gia đình vay 50 triệu đồng vốn ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 02 con bò nuôi. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng hơn 500m2 đất xung quanh nhà và dọc kênh thủy lợi để trồng cỏ nuôi bò. Hiện nay, cuộc sống gia đình ổn định; hàng ngày cả 02 vợ chồng đều đi làm thêm kiếm sống.
Tổng lực các nguồn vốn trong “tiếp sức” cùng với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế của các đối tượng theo hướng bền vững, được duy trì nguồn vốn đủ đáp ứng cho các hộ vươn lên và tận dụng được lao động nông nhàn trong từng gia đình ở nông thôn.
Đồng chí Giang Na Rông, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Cú cho biết: hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai 13 chương trình đầu tư vay vốn cho hội viên, nông dân, tổng số 189 tổ/280,2 tỷ đồng. Phối hợp đào tạo nghề cho 393 học viên là hội viên nông dân, số học viên có việc làm sau đào tạo là 228 người, đạt 58% so với học viên tham gia. Ngoài ra, các cơ sở Hội còn tham gia hỗ trợ giúp đỡ hội viên thoát nghèo, vượt khó thông qua việc hỗ trợ ngày công, vật tư (cây, con giống, lương thực,…). Trong 06 tháng 2023, Hội trực tiếp hỗ trợ, giúp được 71 hộ thoát nghèo.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.