07/08/2023 08:43
Theo lộ trình, đối với đường bộ, giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đồng thời, phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Từ năm 2031 - 2040, tỉnh từng bước hạn chế tiến tới dừng sử dụng xe ô-tô, mô-tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỉnh sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Về đường thủy nội địa, tỉnh cũng khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; áp dụng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2040, 100% phương tiện thủy nội địa đóng mới sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% cảng thủy nội địa xây dựng mới áp dụng tiêu chí cảng xanh; khuyến khích cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động chuyển dịch áp dụng tiêu chí cảng xanh. Đến năm 2050, 100% phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% trang thiết bị tại các cảng, bến thủy nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đối với ngành hàng hải, giai đoạn 2031 - 2050, tàu biển hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Đến năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Cùng đó, trong giao thông đô thị, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2031, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, để đạt mục tiêu trên, tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, Nhà nước và tư nhân để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án về chuyển giao công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; đầu tư mới hoặc chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh.
Địa phương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành giao thông vận tải và các quy hoạch, kế hoạch liên quan khác, đảm bảo việc định hướng đầu tư, xây dựng, nâng cấp, vận hành khai thác kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp và đồng bộ với đầu tư, khai thác phương tiện, trang thiết bị giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Tỉnh cũng khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thủy nội địa, tàu biển sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đặc biệt, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh; trong đó chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực và truyền thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thời gian qua, tỉnh chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Ở lĩnh vực đầu tư, kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, chưa xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý ô nhiễm.
Trong xúc tiến, thu hút và cấp phép đầu tư, tỉnh luôn quan tâm chọn lọc được các dự án đầu tư thân thiện với môi trường. Hầu hết, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trước khi đi vào vận hành đều phải thực hiện thủ tục hành chính về môi trường theo quy định, cam kết thực hiện bảo vệ môi trường.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Trà Vinh đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số PGI. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường, với 04 chỉ số thành phần là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
THANH HÒA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.