18/12/2021 07:30
Bằng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các ngành đoàn thể trong triển khai các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Qua đó, đã giúp những đối tượng dễ bị tổn thương (hộ nghèo, cận nghèo, người lao động…) được tiếp cận một cách tốt nhất, nhanh nhất, đầy đủ hơn trong hỗ trợ các chính sách, dự án về phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Lao động nông thôn ở địa phương được giải quyết việc làm tại doanh nghiệp may Diễm Kiều, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trà Vinh, qua thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, đối với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020), toàn tỉnh còn 1.650 hộ, 0,58%; giảm 1,22% so với tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 (tương đương 3.554 hộ), đạt chỉ tiêu giao (Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu giảm hộ nghèo từ 01-1,5%). Trong này, hộ Khmer nghèo 779 hộ (chiếm 0,88%/số hộ Khmer toàn tỉnh), giảm 2,33% so với tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 (tương đương 2.084 hộ), vượt chỉ tiêu giao (chỉ tiêu từ 1,5-02%). Về hộ cận nghèo còn 3.458 hộ, chiếm 4,69%, giảm 1,07% so với tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 (tương đương 3.192 hộ).
Thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2021, Trà Vinh đã triển khai đồng bộ các nguồn vốn đến với các đối tượng xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo… để phục vụ phát triển sản xuất; cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập. Qua đó, đã có hơn 500.000 lượt người được thụ hưởng các chính sách về vốn vay, bảo hiểm y tế, nhà ở, tiền điện, một phần chi phí khám chữa bệnh… như chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ các Chương trình cho vay, đã giải ngân cho 29.204 lượt hộ vay vốn, tổng số tiền 702,609 tỷ đồng, (458 hộ nghèo vay 14,355 tỷ đồng; 2.103 hộ cận nghèo vay 67,950 tỷ đồng; 10.523 lượt hộ mới thoát nghèo vay 299,028 tỷ đồng; 8.276 hộ vay nước sạch, vệ sinh môi trường, với số tiền 98,337 tỷ đồng; 4.394 hộ vay giải quyết việc làm, với số tiền 118,173 tỷ đồng; 62 hộ vay xuất khẩu lao động, với số tiền 03 tỷ đồng..). Hỗ trợ tiền điện cho 5.127 hộ nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo 11.651 thẻ, hơn 9,373 tỷ đồng; hộ cận nghèo 21.214 thẻ, hơn 17 tỷ đồng; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn 199.314 thẻ, hơn 160,365 tỷ đồng… Chính sách hỗ trợ nhà ở đã thực hiện cho 522 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở. Chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh, tiền ăn, đi lại cho hộ nghèo 23.693 lượt người, kinh phí 5,036 tỷ đồng...
Ngoài ra, tỉnh đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 243.025 người được hỗ trợ, với số tiền hơn 373,7 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ và chi hỗ trợ cho 17.395 người, số tiền trên 39,3 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ; tổ chức đưa gần 20.000 công nhân của 29 doanh nghiệp trong tỉnh trở lại làm việc (trong Khu Công nghiệp Long Đức có trên 90% số công nhân đã làm việc trở lại).
Đề cập đến hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững, chăm lo cho hội viên nông dân (ND); bà Lê Bích Chi, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: thông qua các mô hình, nguồn vốn được Hội triển khai, cùng với chuyển giao, tập huấn cho hội viên và ND luôn được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Qua các phong trào “Cùng chung tay góp sức giúp đỡ hộ hội viên nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững”, năm 2021 các cấp Hội đã giúp 844 hộ thoát nghèo (trong đó Chi hội đảm nhận 373 hộ; hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi đảm nhận 471 hộ).
Năm 2021, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND đã đầu tư 61 dự án cho 611 hộ vay phát triển sản xuất, số tiền 14,548 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư 37.312 hộ (884 tổ) vay 944,93 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 18.911 hộ vay (trong đó có 6.450 hộ là hộ hội viên nông dân) với số tiền 1.884 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài tỉnh cùng với Hội ND hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất nông sản sạch, ký kết cung ứng phân bón, vật tư, cây, con giống với các tổ hợp tác, hợp tác xã (hình thức trả chậm) cho 795 hộ nông dân, trị giá ước tính trên 25 tỷ đồng. Qua đó, giúp hội viên, nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hàng năm, huyện Trà Cú triển khai các cuộc họp đến từng địa phương và đơn vị để nắm bắt nhu cầu về phát triển sản xuất của người dân một cách công khai, minh bạch. Những năm qua, huyện Trà Cú đã thông qua nhiều chương trình, dự án như: Chương trình 30a, Chương trình 135/CP… để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng để giảm nghèo bền vững.
Ông Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: các chương trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đã từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; thu nhập của người dân đã tăng lên, đời sống được cải thiện rõ nét; đặc biệt là các nguồn vốn trong XDNTM. Cùng với đó là các dự án sinh kế cho người dân để thích ứng với biến đổi khí hậu; như dự án hỗ trợ bò cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của ngành nông nghiệp kết hợp Dự án sinh kế Trà Vinh hỗ trợ cho đồng bào Khmer ở xã An Quảng Hữu, Tân Hiệp có ý nghĩa cho người dân vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế hộ và giải quyết việc làm nông nhàn cho người dân nhờ chăn nuôi bò.
Ông Thạch Sa Ven, ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú phấn khởi, chia sẻ: gia đình thoát nghèo năm 2020 và hiện là hộ cận nghèo, cả nhà chỉ có 100m2 đất canh tác, hàng ngày phải đi làm thuê thêm. Vợ chồng rất vui khi được địa phương hỗ trợ 01 cặp bò trong dự án sinh kế để nuôi, đây cũng là động lực để gia đình phấn đấu thoát khỏi hộ cận nghèo trong cuối năm nay.
Thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Cầu Kè, năm 2021, huyện đã giảm 242 hộ nghèo, hộ nghèo còn 1,61% (tương đương 505 hộ); hộ cận nghèo giảm 428 hộ, hiện còn 4,33% (tương đương 1.356 hộ). Ông Lê Hoàng Lam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè cho biết: để thực hiện có hiệu quả giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, Cầu Kè đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân; thông qua các chính sách vay vốn phục sản xuất cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tư vấn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật...
Cũng theo ông Lê Hoàng Lam, trong 11 tháng đầu năm, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 26.706 đối tượng được hỗ trợ với số tiền trên 40,797 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng tiếp nhận và phân bổ gạo từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho 11.034 người, 165,510 tấn gạo. Trong khôi phục sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, huyện cũng đã tổ chức 05 lớp nghề ngắn hạn cho 150 lao động nông thôn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.