11/08/2022 06:22
Nông dân Nguyễn Văn Hiệp thu hoạch cỏ trồng xen trong vườn dừa để nuôi bò.
Xã Tân Sơn là địa phương có diện tích trồng mía khá lớn của huyện Trà Cú, từ năm 2017, nông dân đã chuyển đổi trên 98% diện tích mía sang trồng dừa, sản xuất lúa và trồng màu. Qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở địa phương để thích ứng với tình hình BĐKH, như chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, xen canh trồng cỏ trong vườn dừa... mang lại lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 04 lần so với trồng lúa.
Theo ông Lâm Thanh Vũ, Công chức phụ trách Nông nghiệp xã Tân Sơn, trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở địa phương, phần lớn nông dân chọn mô hình trồng dừa trên đất mía kết hợp với trồng cỏ nuôi bò, đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế rất cao và giúp nông dân ứng phó trước tình hình BĐKH, như thiếu nước sản xuất, vùng đất gò, khu vực triền giồng… nên các cây trồng khác không phát huy hiệu quả. Đến cuối tháng 7/2022, toàn xã đã chuyển đổi đất kém hiệu quả được trên 35ha chuyên trồng cỏ để nuôi bò, nhờ đảm bảo nguồn thức ăn trong nuôi bò, tổng đàn bò của địa phương tiếp tục được duy trì và phát triển, tổng đàn 3.705 con, đạt 105,86% so với Nghị quyết.
Ngoài ra, trong các khu vườn dừa ở các ấp: Leng, Đôn Chụm A, Đồng Điền, Ông Rùm… trên 90% diện tích đều xen canh trồng cỏ kết hợp nuôi bò. Nông dân Nguyễn Văn Hiệp, ấp Ông Rùm, xã Tân Sơn cho biết: gia đình có 0,5ha đất mía và được chuyển sang trồng dừa được hơn 10 năm. Từ năm 2018, tận dụng dưới tán dừa đã lớn để xen trồng cỏ kết hợp nuôi bò, hàng năm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và thích nghi với tình hình BĐKH, sản xuất trong điều kiện thiếu nước… Với 0,5ha dừa xen trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức cho khoảng 04 con bò sinh sản; qua đó, mỗi năm gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng từ bò.
Bên cạnh các mô hình sản xuất thích ứng BĐKH, ngành nông nghiệp còn phối kết hợp với các tổ chức phi Chính phủ tài trợ, hỗ trợ cho các vùng có điều kiện khó khăn tiếp cận các mô hình sản xuất phù hợp. Thông qua Dự án “Hỗ trợ cộng đồng ứng phó hạn hán”, Dự án “Sinh kế Trà Vinh” do Tổ chức Samaritan's Purse International Relief (SPIR) tài trợ (giai đoạn I: 2019 - 2021 trên địa bàn huyện Trà Cú; giai đoạn II: 2022 - 2023, trên địa bàn huyện Cầu Ngang, Duyên Hải).
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: dự án thực hiện gồm 02 tiểu dự án: Dự án “Sinh kế” triển khai trên địa bàn 02 xã Ngũ Lạc, Đôn Châu (huyện Duyên Hải), bằng hình thức chuyển giao bò cái sinh sản và mô hình trồng trọt cho hộ dân; Dự án “Cộng đồng ứng phó với hạn hán” triển khai tại 03 xã Long Sơn, Trường Thọ, Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang), bằng hình thức cung cấp cơ sở hạ tầng nước sạch và vệ sinh môi trường và có 370 hộ dân vùng nông thôn được thụ hưởng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.