15/05/2022 14:31
Việc trồng rừng không chỉ là một trong những giải pháp giảm tác động biến đổi khí hậu, còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở các huyện ven biển, nơi có rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Vũ Phương, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Trà Vinh cho biết: về kinh tế, hệ thống rừng phòng hộ ngập mặn ven biển phục hồi tạo điều kiện cho nguồn động, thực vật sinh thủy sinh sản, phát triển, cải thiện nguồn nước trong các mô hình sản xuất lâm ngư kết hợp, tạo điều kiện giúp nghề nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phát triển bền vững. Cảnh quan môi trường ổn định, tạo điều kiện chủ động trong các hoạt động du lịch, thực hiện liên doanh với các doanh nghiệp phát triển dịch vụ, du lịch tạo nguồn thu. Thông qua các hạng mục trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, phát triển trồng cây phân tán, các mô hình kinh tế nông lâm ngư kết hợp sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ thời gian qua đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân ổn định và tăng lên, đời sống văn hóa vật chất tinh thần được nâng cao, trình độ và nhận thức của người dân được nâng lên tạo ổn định về an ninh, trật tự xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực ven biển. Đặc biệt là vùng đất giồng cát ven rừng phòng hộ thuộc địa phận ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam và ấp Bến Đáy B, xã Mỹ Long Bắc ngày càng phát triển, người dân không ngừng tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ 03 - 04 vụ/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Nguyễn Trường Chinh chăm sóc rẫy dưa hấu.
Nông dân Nguyễn Trường Chinh, ngụ ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết: nhờ rừng phòng hộ, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân nơi đây ngày càng phát triển. Diện tích rừng phát triển và ổn định đã mang lại hiệu quả. Có tác dụng chắn gió, chắn sóng, chống xói mòn, sạt lở cho người dân trong quá trình sản xuất hoa màu, nuôi thủy sản, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Với 3.000m2 đất sản xuất hoa màu của gia đình ven rừng phòng hộ, ông Chinh sản xuất 03 vụ/năm chủ yếu dưa hấu, đậu phộng, lợi nhuận bình quân từ 08 - 10 triệu đồng/1.000m2 dưa hấu, và 06 - 07 triệu đồng/1.000m2 đậu phộng, tùy theo thời điểm giá.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu (mưa gió thất thường, sóng to, gió lớn, nước biển dâng gây sạt lở bờ biển và đê biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng tăng dần), việc trồng rừng là một trong những giải pháp giảm tác động biến đổi khí hậu; ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo.
Theo kế hoạch trồng rừng năm 2022, tỉnh tập trung trồng rừng phòng hộ 28,51ha, phân theo dự án, trong đó, phương án trồng rừng mới thay thế 10,51ha phi lao (dự kiến trồng tại thị xã Duyên Hải). Kế hoạch trồng cây xanh vì hành tinh xanh của Công ty TNHH MTV xã hội MangLub Việt Nam là trồng mới 18ha (16ha bần chua, 02ha gõ nước), dự kiến trồng tại bãi bồi ven biển huyện Châu Thành và Cầu Ngang). Trồng rừng bổ sung 30ha đước vào rừng bần có mật độ thưa theo kế hoạch trồng cây xanh vì hành tinh xanh của Công ty TNHH MTV xã hội MangLub Việt Nam. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo chăm sóc 255,49ha rừng, trong đó, chăm sóc rừng năm thứ hai 39,08ha; năm thứ ba 56,50ha; năm thứ tư 159,91ha.
Theo ông Nguyễn Vũ Phương, để bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, phát triển tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 4,2%, đến năm 2030 là 4,5% góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao năng suất và chất lượng rừng, góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động tham gia trồng, quản lý rừng.
Để đạt chỉ tiêu trên, Chi cục Kiểm Lâm tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức và hoạt động cụ thể, kết hợp tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt chi bộ; hội nghị của các cơ quan, đơn vị; trên các phương tiện thông tin đại chúng... Đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ rừng, lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào quy chế xây dựng làng văn hóa, quy chế của cộng đồng, khu dân cư. Tăng cường vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể Nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước về công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng, tỉnh chỉ đạo ngành liên quan và địa phương rà soát, bổ sung và tăng cường công tác quản lý đối với các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, gắn với quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương và quy hoạch của tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi.
Tăng cường sự phối hợp thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chủ động nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, sạt lở đất rừng ven sông, ven biển để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, sạt lở gây ra.
Tăng cường kiểm tra các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ xung yếu, các dự án giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, gắn với triển khai có hiệu quả quy hoạch của tỉnh và các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có tác động đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và bảo vệ tốt các hệ sinh thái ngập nước ven biển, ven sông; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.