01/03/2021 07:00
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết với mô hình đa cây, đa con
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết chuẩn bị thức ăn cho tôm. |
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1967, hiện là Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải. Nhờ mô hình đa cây, đa con, mà bà được Hội Nông dân thị xã Duyên Hải bình chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã nhiều năm liền.
Mô hình đa cây, đa con của bà Tuyết áp dụng theo hình thức sản xuất quy mô nhỏ, nhưng ăn chắc. Bà Tuyết cho biết: lúc nào gia đình cũng nuôi từ 50-60 con gà đẻ, từ 50-70 vịt xiêm; hết đợt này gầy đợt khác, cứ bán luân phiên, nên không sợ “dội chợ”. Ngoài ra, bà tận dụng vườn, bờ ao để trồng cỏ nuôi 04 con bò. Về phong trào nuôi tôm, gia đình bà có 02 ao nuôi: 01 ao có diện tích 2.000m2 và 01 ao 4.000m2 . Từ năm 2018 đến nay, bình quân 02 nuôi vụ/năm, lời từ 100-120 triệu đồng/năm, tổng thu nhập từ các nguồn, hơn 150 triệu đồng/năm.
Với vai trò Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, bà vận động đảng viên trong chi bộ thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế. Chi bộ có 15 đảng viên, hiện không còn hộ đảng viên nghèo; toàn ấp có 165 hộ, hiện còn 03 hộ nghèo. Từ những năm qua, tập thể đảng viên trong chi bộ, cũng như hộ dân trong ấp quyết tâm không để tái nghèo. Đồng thời, chi bộ xác định tầm quan trọng của ấp văn hóa - nông thôn mới, với vai trò là Trưởng Ban Nhân dân ấp, bà Tuyết đã cùng với các đoàn thể ra sức và nỗ lực thực hiện nhiều mô hình, nhằm giảm nghèo và nhiều công trình phục vụ nhân sinh: điện thắp sáng đường quê, cổng chào an ninh...
Từ mô hình sản xuất hiệu quả, cùng với những thành tích đạt được trong triển khai thực hiện các phong trào của ấp, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã nhận nhiều giấy khen của các cấp ủy Đảng, chính quyền và gần nhất, bà là một trong những đại biểu của thị xã Duyên Hải vinh dự tham dự Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh, lần thứ V, giai đoạn 2016-2020.
Ông Đỗ Văn Quân, sinh năm 1958, người đưa phương pháp trồng hành tím bằng hạt về xã Trường Long Hòa
Ông Đỗ Văn Quân, kiểm tra liếp hành tím giống trước khi trồng.
Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải là nơi có phong trào trồng hành tím nhiều nhất so với các địa phương khác của thị xã Duyên Hải. Tuy nhiên, phần lớn, nông dân trồng bằng nguồn giống từ củ, mua từ tỉnh Sóc Trăng, nên chất lượng củ và sản lượng không cao. Chính những điều đó, ông Quân tìm hiểu về phương pháp trồng hành tím bằng hạt được học tập từ Đà Lạt (Lâm Đồng).
Thấy hiệu quả và nắm vững kiến thức, vụ hành tím năm 2019-2020 (vụ tết Nguyên đán Canh Tý 2020), ông Quân bắt đầu áp dụng trồng hành tím từ hạt. Theo ông Quân, trồng hành tím có nhiều lợi ích: với 0,4ha của gia đình, nếu trồng bằng củ, mua ở Sóc Trăng, phải cần 60kg giống, giá ở vụ vừa qua là 170.000 đồng/kg, tổng chi phí giống cho 0,4ha hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng hạt, chỉ cần 02 tép, mỗi tép 300g (khoảng 100.000 hạt/tép), giá hạt mua tại Đà Lạt, 03 triệu đồng/tép, 0,4ha chỉ cần 06 triệu đồng để mua hạt. Lợi nhuận thứ hai là giá của hành trồng bằng hạt luôn cao hơn trồng bằng củ. Vụ hành tím vừa qua, nông dân xã Trường Long Hòa tuy trúng mùa, nhưng không được giá, hành tím tốt, chất lượng, nếu trồng bằng củ, thương lái mua 10.000-11.000 đồng/kg, nhưng hành của ông Quân, nhờ trồng hạt, nên thương lái mua từ 13.000-13.500 đồng/kg.
Từ khi trồng hành tím đến nay nói chung, từ khi trồng bằng hạt đến nay nói riêng, tuy giá hành tím có biến động, khi cao khi thấp, nhưng ông Đỗ Văn Quân đều có lợi nhuận từ 50-55 triệu đồng/vụ/0,4ha. Nhờ trồng 02 vụ/năm, nên lợi nhuận từ hành tím luôn giữ mức từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Là người tuyên phong đưa phương pháp trồng hành tím bằng hạt về xã Trường Long Hòa, nên ông Quân trở thành “kỹ sư” của nhiều nông dân trong xóm. Theo ông Quân, vụ hành tím hiện tại, trên địa bàn ấp Cồn Trứng có gần chục hộ trồng thử nghiệm bằng hạt; ông là người hướng dẫn nông dân áp dụng các khâu: sạ mạ (gieo hạt), thời gian trồng, mật độ, cách lên liếp, chăm sóc...
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.