12/03/2024 17:34
ĐVTN và người dân ấp Là Ca A, xã Nhị Trường phát quang bụi rậm.
Với phương châm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những năm qua, ĐVTN xã Nhị Trường đã hăng hái, tích cực tham gia phong trào XDNTM, đô thị văn minh với những công trình, phần việc cụ thể, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Bí thư Xã Đoàn Nhị Trường cho biết: để phong trào tuổi trẻ chung tay XDNTM ngày càng đi vào chiều sâu, hàng năm Xã Đoàn triển khai kế hoạch cụ thể, phổ biến các chỉ tiêu, tiêu chí đến từng ĐVTN bằng nhiều hình thức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt, họp lệ chi đoàn… từ đó, nhận thức của ĐVTN ngày càng nâng lên và tích cực tham gia XDNTM.
Để nâng cao nhận thức của ĐVTN tích cực tham gia XDNTM, tạo phong trào thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Do là địa bàn điểm chỉ đạo của Huyện Đoàn trong thực hiện Tháng Thanh niên, nên Xã Đoàn Nhị Trường triển khai các công trình, phần việc thanh niên đồng loạt ra quân “ngày Chủ nhật xanh” và “tình nguyện chung tay XDNTM”; tham gia chương trình “Tháng Ba biên giới”; vận động ĐVTN tham gia trồng 100 cây xanh tạo cảnh quan môi trường; tham gia ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động... Thông qua hoạt động tình nguyện góp phần tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, Hội; khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong thanh niên và xã hội.
Phát huy tinh thần xung kích của ĐVTN trong phát triển kinh tế, Xã Đoàn Nhị Trường đã vận động ĐVTN ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban, ngành huyện định hướng cho thanh niên thực hiện các mô hình phát triển phù hợp, hỗ trợ vốn vay, tạo chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp từ mô hình hoạt động hiệu quả như trồng sen lấy ngó, nuôi bò sinh sản…
Đối với mô hình trồng sen lấy ngó hiện nay có 08 ĐVTN tham gia trồng trên 0,5ha, mang lại hiệu quả cao, giá bình quân ngó sen tươi từ 30.000 - 50.000 đồng/kg; dưa sen giá bán 140.000 đồng/kg. Sản phẩm hiện đang phân phối tại các chợ đầu mối trong và ngoài huyện. Định hướng tới, Xã Đoàn thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp dưa sen chất lượng sạch và liên kết đầu ra tiêu thụ sản phẩm, giúp ĐVTN có nguồn thu nhập ổn định.
Chị Hương Giang cho biết thêm: phần lớn ĐVTN trong xã sống phụ thuộc vào gia đình nên điều kiện tự chủ về tài chính để phát triển kinh tế chưa nhiều. Vì thế, Xã Đoàn xem xét ĐVTN đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, có ý chí vươn lên để lập thân, lập nghiệp nhằm hỗ trợ bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế phù hợp. Mặt khác, địa phương có lợi thế về tiềm năng cây lúa 03 vụ/năm, nên thuận lợi phát triển đàn bò nuôi. Mặc dù những năm gần đây giá bò giảm mạnh, nhưng các chi đoàn trong xã duy trì hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản và các mô hình thanh niên giúp nhau làm kinh tế. Đồng thời, để tạo điều kiện cho ĐVTN có vốn phát triển kinh tế, đến nay, Xã Đoàn đã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện hơn 09 tỷ đồng giúp 115 ĐVTN vay.
Đoàn viên Hà Huỳnh Nhơn, ấp Là Ca A, xã Nhị Trường là thanh niên không chỉ duy trì đàn bò sinh sản 07 con, mà còn nhờ hỗ trợ của gia đình đầu tư thêm máy cày ruộng để tăng thu nhập.
Anh Nhơn cho biết: kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa 03 vụ/năm kết hợp với nuôi bò sinh sản. Ngoài việc chăm sóc lúa phụ cha mẹ trên 01ha, anh được cha mẹ hỗ trợ vốn mua máy cày để đi cày thuê trong và ngoài xã. Bình quân mỗi vụ lúa, anh cày khoảng 40ha, thu nhập giá 1,6 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/vụ. Nhờ gia đình có điều kiện trồng lúa nên chủ động nguồn rơm rạ phục vụ đàn bò nuôi, thu nhập ổn định. Thời gian tới, anh chuẩn bị làm chuồng trại nuôi heo sinh sản và mong được địa phương hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp đầu tư vào chăn nuôi thuận lợi hơn.
Chị Phạm Thị Tố Như, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cầu Ngang cho biết: thông qua các phong trào, nhận thức ĐVTN đã thay đổi tích cực, từ chỗ thanh niên trong chờ, nay đã chủ động tham gia XDNTM. Từ phong trào đã giúp ĐVTN tự lực thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất gắn với tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào, phần việc của thanh niên trong XDNTM. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cách làm mới sáng tạo, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như hỗ trợ vốn phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn quản lý trên 72,2 tỷ đồng giúp 2.588 lượt hộ ĐVTN vay. Ngoài ra, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn hàng tháng thực hiện tốt mô hình góp vốn xoay vòng với số tiền 97 triệu đồng, giải quyết cho 47 đoàn viên mượn phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2024, với chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện” Huyện Đoàn đề ra 12 chỉ tiêu cơ bản. Riêng Tháng Thanh niên thực hiện 08 chỉ tiêu. Đối với chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện”, nhất là tiêu chí về môi trường trong thực hiện XDNTM, Huyện Đoàn chỉ đạo 100% Đoàn xã, thị trấn hàng tháng có ít nhất một hoạt động thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Trà Vinh tham gia bảo vệ môi trường bảo vệ dòng sông quê hương” hoặc tham gia XDNTM, đô thị văn minh; trồng mới 8.000 cây xanh; tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho 750 thanh niên; hỗ trợ 06 thanh niên vay vốn phát triển kinh tế...
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.