10/02/2023 16:36
Một tuyến đường nông thôn ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiều dự án, công trình xây dựng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, giao thông liên ấp, đường vào khu sản xuất, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, cấp nước sạch, hạ tầng thông tin, viễn thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số… nhằm hoàn thành mục tiêu XDNTM trước năm 2025.
Cụ thể, các dự án được ưu tiên gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với quản lý mã số vùng, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Trà Vinh; xây dựng, kết nối hòa mạng các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trong tỉnh và hỗ trợ xây dựng các công trình nhỏ lẻ hộ gia đình, cụm dân cư đối với các vùng không xây dựng được các công trình cấp nước tập trung; xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn gắn với phát huy các giá trị văn hóa địa phương; dự án công nghệ số nông thôn mới, OCOP.
Tỉnh cũng ưu tiên thực hiện các công trình đầu tư trồng cây xanh và đèn chiếu sáng ở huyện Cầu Kè; rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Tiểu Cần; xây dựng Bến xe khách huyện Tiểu Cần đạt tiêu chuẩn loại III; xây dựng trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú để đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 hoặc 2; công trình đường nhựa D9 (đường Nguyễn Huệ - đường 2 tháng 9) và đường nhựa Khóm 7 (từ đường 3 tháng 2 - đường tránh Quốc lộ 53, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú); các công trình Nhà thi đấu đa năng, quảng trường ở huyện Trà Cú; công trình đầu tư xây dựng Nghĩa trang nhân dân cụm Nhị Long - Đại Phước, huyện Càng Long và các công trình xây dựng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Để hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, tỉnh đề ra nhiều giải pháp đột phá. Theo đó, đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; khơi dậy, phát huy sự sáng tạo, trí tuệ, khát vọng của người Trà Vinh. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho lao động nông thôn; chuyển đổi nghề có giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người dân, đặc biệt là người nghèo.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tại các vùng nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Kim Nhân, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, năm 2022, các chỉ tiêu được tỉnh đề ra về XDNTM đều hoàn thành. Đến nay, cơ bản 85/85 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; 35 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 08/09 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Tỉnh đặt mục tiêu, năm 2023, huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới (09/09 đơn vị cấp huyện), huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tin, ảnh: THANH HÒA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.