18/02/2022 09:00
Ông Dương Huy Phong, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 3.072,558 tỷ đồng, tăng 248,394 tỷ đồng (tăng 8,8%) so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.476,917 tỷ đồng, tăng 133,305 tỷ đồng, chiếm 80,61% so với tổng nguồn vốn; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang 239,662 tỷ đồng, tăng 69,737 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 7,8% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng số dư 355,980 tỷ đồng, chiếm 11,59% tổng nguồn vốn, tăng 45,354 tỷ đồng so với đầu năm. Từ nguồn vốn hiện có, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể kịp thời chuyển vốn đến đối tượng, tạo động lực, điều kiện thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả.
Năm 2021, tổng doanh số cho vay đạt 932,261 tỷ đồng, tăng 111,403 tỷ đồng so với năm 2020, với 38.393 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.071,188 tỷ đồng, tăng 248,192 tỷ đồng (tăng 8,79%) so với năm 2020, đạt 99,5% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Đặc biệt, năm 2021, thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân vốn giúp 08 công ty, doanh nghiệp có nhu cầu vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 1.380 lao động, dư nợ 4,8 tỷ đồng. Nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nên chất lượng tín dụng cũng tăng theo, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 16,082 tỷ đồng, chiếm 0,52%. Nhiều đoàn thể không có nợ quá hạn, hoặc nợ quá hạn thấp: Hội Cựu chiến binh huyện Tiểu Cần và Đoàn Thanh niên thành phố Trà Vinh không có nợ quá hạn. Có 2.271 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn, chiếm 77,72%/tổng số tổ toàn chi nhánh; có 07/08 phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện xếp loại tốt, 01 đơn vị xếp loại khá.
Năm 2021, vượt qua những khó khăn chung, hoạt động của các đoàn thể tiếp tục phát huy về vai trò, trách nhiệm. Thể hiện rõ thông qua chất lượng tín dụng tăng, có 97 xã, phường, thị trấn xếp loại tốt; trong đó, 05 đơn vị có 100% xã xếp loại tốt: Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè và thành phố Trà Vinh; 09 xã xếp loại khá: huyện Cầu Ngang 01 xã, Trà Cú 02 xã, Duyên Hải 06 xã. Chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn do các đoàn thể phụ trách tăng 2.165/2.921 được đánh giá tốt, chiếm 74,12%; 585 tổ khá, chiếm 20,03%; 158 tổ trung bình, chiếm 5,41% và 14 tổ yếu, chiếm 0,48%.
Năm 2021, vốn của Trung ương và địa phương đã giúp 38.393 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ kịp thời cho 591 hộ nghèo, 2.628 hộ cận nghèo, 12.674 hộ mới thoát nghèo, 3.580 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, 6.409 lao động vay tạo việc làm; 90 lao động vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 558 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; cho vay xây dựng 11.258 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 542 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND... nguồn vốn được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh, góp phần giảm hộ nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và XDNTM. |
Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhờ nguồn vốn của tiết kiệm và vay vốn CSXH, giúp hội viên phát triển kinh tế hộ, cải thiện cuộc sống. Đó là kết quả của Hội, tham mưu kịp thời với cấp ủy, xây dựng kế hoạch hoạt động, đưa nguồn vốn đến hội viên. Hoạt động vốn ủy thác của Hội triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hội viên nghèo trên địa bàn. Tổng dư nợ ủy thác của Hội LHPN chiếm 46,47%, nhưng Hội LHPN các cấp luôn phát huy vai trò, vận động hội viên sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.
Nói về nhu cầu vốn của Ngân hàng CSXH trong năm 2022, anh Trần Trí Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ: những năm qua, Đoàn thanh niên đã sử dụng vốn đúng mục đích. Tuy nhiên, qua khảo sát, nhu cầu vốn còn rất lớn; năm 2022, mong Ngân hàng CSXH tiếp tục xem xét tăng nguồn vốn vay, để Đoàn Thanh niên mở rộng đối tượng vay, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 từng bước kiểm soát, kinh tế phục hồi; nhưng do ảnh hưởng của năm 2021, nên tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có thể tăng. Do vậy, vốn Ngân hàng CSXH vẫn là nguồn động lực giảm nghèo hiệu quả. Năm 2022, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các ngành liên quan triển khai đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, nhằm giải quyết cho vay kịp thời các lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn địa phương, phấn đấu tăng trưởng dư nợ năm 2022 từ 10% trở lên (tăng 300 tỷ đồng) so với năm 2021. Giải ngân hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao đạt từ 99% trở lên. Tập trung giải ngân gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 của Quốc hội, Chính phủ; các chương trình tín dụng để thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, XDNTM và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.