02/06/2020 19:30
Là một trong những vùng căn cứ cách mạng chịu nhiều đau thương, mất mát trong kháng chiến, nhưng với lòng yêu nước, người dân Khánh Lộc vẫn trung kiên bám trụ một lòng theo Đảng. Khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là từ khi thực hiện phong trào XDNTM, địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc; kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhờ đó người dân tập trung phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu.
Ông Trần Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: Những năm đầu sau giải phóng, Khánh Lộc ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, xã hỗ trợ Khánh Lộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu ứng dụng các mô hình sản xuất mới, góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh phúc lợi theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Khánh Lộc xuất phát từ điểm thấp, sản xuất lúa 01 vụ với năng suất thấp, giá bán bấp bênh, kênh, mương nội đồng bị bồi lắng, nhà cửa đơn sơ,… nay đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của xã. Những cánh đồng hoang hóa, những khu vực nhiễm phèn, mặn ngày nào giờ đã trở thành những cánh đồng lúa đặc sản, là “bệ đỡ” cho sự phát triển nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế của địa phương và là nguồn thu nhập chính của người dân.
Là một trong những người gắn bó lâu năm ở ấp Khánh Lộc, từng tham gia kháng chiến năm 1972 và bị thương khi tham gia vận chuyển thuốc y dược cứu thương, thương binh Nguyễn Văn Nguyện chia sẻ: Trước đây, vùng đất Khánh Lộc bị nhiễm phèn, mặn nên trồng lúa có 01 vụ, năng suất thấp, từ khi có dự án ngọt hóa Nam Mang Thít, địa phương nỗ lực nạo vét thủy lợi, nên người dân thuận lợi trong sản xuất. Đặc biệt là việc chuyển đổi đề án tái cơ cấu, đưa những loại cây, con phù hợp, nhờ đó mà sản xuất hiệu quả, thu nhập khá lên, đời sống thay đổi rõ nét.
Riêng ông Nguyện, sau khi kết thúc kháng chiến, đất nước thống nhất, ông về ấp Khánh Lộc chăm lo phát triển kinh tế gia đình với 0,4ha đất canh tác lúa. Nhận thấy làm lúa kém hiệu quả, nên ông đầu tư nuôi vịt và làm thuê để tăng thu nhập. Khi tích cóp được vốn ông mua thêm đất để canh tác, đến nay ông đã sở hữu hơn 2,1ha đất sản xuất 03 vụ lúa/năm, kinh tế ngày càng cải thiện. Song song đó, ông vẫn phát triển đàn vịt nuôi từ 300 con ban đầu khởi nghiệp nay đã nâng lên 1.500 con/đợt nuôi. Mỗi năm nuôi 02 đợt, bình quân vịt nuôi khoảng 2,5 tháng xuất bán, lợi nhuận bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/đợt nuôi. Đợt nuôi năm nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, giá vịt giảm mạnh, nên đàn vịt nuôi chưa xuất bán, đang chờ giá.
Nông dân Hồ Hoàng Thà, được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình chuyển đổi đất lúa lợi nhuận thấp sang trồng thâm canh 03 - 04 vụ màu/năm, lợi nhuận bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ. Ông Thà cho biết: Hơn 05 năm chuyển đổi 01ha đất trồng lúa sang trồng thâm canh màu thực phẩm, như bầu, khổ qua, ớt, dưa leo thu nhập tăng lên gấp 03 - 04 lần so với trồng độc canh cây lúa. Với diện tích trên, vụ màu năm nay, ông trồng thâm canh cây dưa leo xuống giống từng đợt xoay vòng hết đất nhằm có sản phẩm dưa leo bán hàng ngày. Hiện dưa leo đang thu hoạch, bình quân 150 - 250kg/ngày.
Nông dân Hồ Hoàng Thà thu hoạch dưa leo bán cho thương lái tại ruộng.
Theo ông Thà, dưa leo năm nay tuy được giá 11.000 đồng/kg nhưng năng suất thấp do hạn, mặn xâm nhập, lợi nhuận bình quân đạt 40 triệu đồng/ha. Trồng dưa leo lợi thế hơn trồng lúa, lợi nhuận cao, nhất là thời gian trồng ngắn khoảng 35 ngày cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 20 - 25 ngày, nên ông có thể trồng dưa leo xoay vòng nhiều đợt trong năm để tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình.
Tuy có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng yếu nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Khánh Lộc hôm nay không chỉ thoát nghèo mà đời sống của người dân được cải thiện toàn diện. Đường, trường, trạm, hệ thống giao thông, điện đầu tư theo chuẩn nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
“Trái ngọt” này nhờ sức mạnh của ý Đảng - lòng dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện. Đến nay, thu nhập bình quân của ấp đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, 75% diện tích trồng lúa, 100% đường liên ấp cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa, đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa; 94,3% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa - nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,9%.
Có được những thành quả đó, ngoài sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền còn có sự đóng góp không nhỏ của người dân địa phương. Tin rằng thời gian tới, với những thành tựu đạt được, Khánh Lộc sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng vùng quê cách mạng ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.