14/04/2023 07:27
Nông dân Thạch Khụm ra đồng chăm sóc lúa trong vùng kênh bê-tông nổi.
Đây là công trình được xây dựng với hệ thống kênh bê-tông nổi gồm 01 trạm bơm (công suất 650m3/giờ) với 01 tuyến kênh chính dài trên 01km và 09 tuyến kênh nhánh, tổng chiều dài gần 1,5km. Hệ thống kênh bê-tông nổi đảm bảo nguồn nước phục vụ cho 50ha đất sản xuất lúa chất lượng cao ở Ấp 3, xã Phong Phú.
Ông Huỳnh Văn Đức, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến, xã Phong Phú cho biết: hiện nay có khoảng 30ha lúa của các thành viên trong hợp tác xã được hưởng lợi từ hệ thống kênh bê-tông nổi. Qua đó, việc sản xuất của nông dân và thành viên hợp tác xã trong vùng kênh bê-tông nổi được chủ động; hạn chế thấp nhất việc mặn xâm nhập và thiếu nước bơm tát khi vào mùa khô hạn, nhất là từ sau tháng 02 âm lịch kéo dài đến cuối tháng 5 âm lịch. Nhờ chủ động trong sản xuất của vùng kênh bê-tông nổi, nên năng suất lúa ở đây cao hơn so với ngoài vùng kênh bê-tông nổi. Ngoài sản xuất lúa, nông dân còn chủ động sản xuất các loại màu mùa khô…
Nông dân Thạch Khụm, Ấp 3, xã Phong Phú chia sẻ: gia đình có 0,5ha đất sản xuất lúa trong vùng kênh bê-tông nổi, từ năm 2021 đến nay, việc sản xuất lúa ở đây khá tốt, không còn lo lắng về nước mặn hay thiếu nước. Tất cả nguồn nước phục vụ cho khu vực này, đều có cán bộ theo dõi mặn để bơm nước đưa vào kênh, khi đó, các hộ sản xuất sẽ thực hiện mở các van nhỏ trong kênh sườn để đưa nước vào ruộng. Vụ lúa đông - xuân năm 2022 -2023, năng suất ở đây khoảng 07 tấn/ha và cao hơn các vùng phía ngoài kênh khoảng 0,5 tấn/ha.
Nông dân Thạch Diên ở Ấp 3, xã Phong Phú cho biết: gia đình có 0,8ha đất canh tác trong vùng kênh bê-tông, trong vụ đông - xuân năm 2022 - 2023, gia đình dành 0,4ha đề trồng bí hồ lô; diện tích còn lại trồng lúa. Điều kiện sản xuất ở đây khá tốt, đặc biệt là nông dân chủ động về nguồn nước trong sản xuất. Ngoài cây lúa, sản xuất cây màu cũng thuận lợi khi xung quanh có các hệ thống kênh sườn cấp nước; hiện nay, việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng của mặn xâm nhập, thiếu nước đã được khắc phục; nông dân chủ động và có hệ thống kênh khép kín, việc sản xuất thuận lợi.
Ông Sơn Pho, ngụ Ấp 2, xã Phong Phú chia sẻ: nông dân ở đây không chỉ chủ động trong sản xuất, mà còn tiết kiệm được chi phí bơm tát; trước đây khi chưa có hệ thống kênh bê-tông nổi, các hộ phải thực hiện bơm tát riêng lẻ vào ruộng của mình, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, nhất là khi cuối vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, đây là yếu tố rất cần thiết khi biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn và nước mặn xâm nhập diễn biến phức tạp như hiện nay. Cùng với đó, việc vận chuyển lúa sau thu hoạch ở đây khá thuận lợi, nhờ có tuyến đường đal (mặt 03m) kết hợp với tuyến kênh bê-tông nổi trục chính dài hơn 01km chạy giữa đồng.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Đức, trong vùng kênh bê-tông nổi, ngoài triển khai sản xuất lúa cho nông dân, hợp tác xã còn triển khai thực hiện mô hình nuôi kết hợp cá - lúa, với diện tích 01ha, hiệu quả mang lại khá cao. Tuy nhiên khó khăn của mô hình là đầu ra sản phẩm chưa liên kết được, nên khi vào vụ thu hoạch, chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng. Thời gian tới, nếu mô hình lúa - cá liên kết được đầu ra, hợp tác xã sẽ đầu tư mở rộng diện tích.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.