13/01/2020 09:20
Chuyển biến trong sản xuất
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành chú trọng công tác củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Với cây trồng chủ lực là lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển… huyện thường xuyên xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm giúp người dân sản xuất hiệu quả. Cụ thể, năng suất lúa tăng 0,78 tấn/ha, sản lượng từ 137.885 tấn (năm 2015) lên 240.668 tấn (năm 2020). Diện tích sử dụng giống lúa xác nhận trên 95%, các khâu trong sản xuất đều được áp dụng cơ giới hóa từ gieo sạ đến thu hoạch đến sơ chế, góp phần giảm chi phí trong sản xuất; công tác tổ chức lại sản xuất được chú trọng, tiếp tục duy trì và mở rộng cánh đồng lớn với diện tích trên 1.050ha, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất; vùng sản xuất lúa hữu cơ sinh học ở 02 xã Long Hòa và Hòa Minh diện tích sản xuất trên 150ha; vùng sản xuất rau an toàn (R.A.T) 47ha, tập trung ở xã Hòa Lợi, Lương Hòa A, Thanh Mỹ, Hưng Mỹ... Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 11,18%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết 11%/năm); thu nhập bình quân đạt 47,6 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Thu, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng R.A.T Đai Tèn, ngụ ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A cho biết: THT được thành lập năm 2010, có 62 thành viên tham gia với diện tích 18,5ha. Việc hình thành vùng trồng R.A.T giúp người dân nâng cao thu nhập. Để hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo hướng hàng hóa an toàn, mỗi tháng, THT tổ chức họp 01 lần giúp các thành viên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm theo nhóm và được xã thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật khi THT có nhu cầu. THT R.A.T trồng các loại họ cải, dưa leo, khổ qua, bầu, bí đao, ớt... Từ đầu năm đến nay, nhờ cây rau màu có giá ổn định, ước trung bình mỗi héc-ta trồng R.A.T, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ ha/năm.
Nông dân ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ thăm đồng.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được huyện quan tâm; phát triển mới 89 cơ sở, doanh nghiệp, nâng tổng số 1.168 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 11.993 lao động; duy trì 03 làng nghề (Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ, Làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh xã Hòa Thuận, Làng nghề đan đát - thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa), có 121 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 2.965 lao động...
Ông Sơn Sốc, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ điêu khắc, ngụ Khóm 4, thị trấn Châu Thành cho biết: Cơ sở chuyên điêu khắc những sản phẩm gỗ, như bàn, ghế, hình dáng các biểu tượng 12 con giáp để trang trí nội thất... Để nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) hỗ trợ Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy thiết bị trong sản xuất sản phẩm gỗ điêu khắc”, gồm các thiết bị như, máy khoan cầm tay, máy mài khuôn... tổng kinh phí 36,4 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng). Với hệ thống máy hiện đại này cơ sở sẽ tăng sản phẩm lên 20 - 30%, giải quyết việc làm cho 05 lao động, với mức thu nhập 05 - 06 triệu đồng/người/ tháng, góp phần giải quyết việc làm, xóa nghèo cùng địa phương.
Kết cấu hạ tầng dần hoàn thiện
Thông qua tuyên truyền, vận động, nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền, hiến đất… cùng Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Qua đó, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 413 hạng mục công trình, với tổng vốn đầu tư 632,897 tỷ đồng, hiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thiện.
Bà Thạch Thị Hiếu, ngụ ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa cho biết: Trước kia, trên địa bàn ấp còn nhiều tuyến đường chỉ mới đổ đá cấp phối, đá dăm và đường đất bị sình lầy vào mùa mưa, đi lại khó khăn. Bây giờ, đường thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, người dân đi lại, lưu thông hàng hóa.
Ông Thạch Phanh, ngụ ấp Hương Phụ C, xã Đa Lộc cho biết: Vừa qua, xã vận động mạnh thường quân ngoài tỉnh và người dân địa phương xây dựng 01 cây cầu bê-tông dài 44m, ngang 2,2m, trị giá khoảng 250 triệu đồng, trong đó, nhân dân góp công lao động, hiến đất, hoa màu khoảng 97 triệu đồng. Gia đình tôi cũng tự nguyện hiến 100m² để làm đường dẫn lên cầu, cây cầu hoàn thành tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng, đây cũng là niềm mơ ước của người dân chúng tôi.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học xã Long Hòa.
Hệ thống điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn… trên địa bàn huyện cũng được đầu tư mới và nâng cấp khang trang. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn theo tiêu chuẩn ngành điện đạt 99,62% trên tổng số hộ toàn huyện; có 32/45 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng mới 134 phòng học kiên cố, 121 phòng học chức năng, tổng kinh phí đầu tư 116 tỷ đồng. Ngành chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời, tổ chức nhiều đợt phát quang bụi rậm, dọn cỏ dọc theo các tuyến đường giao thông và trồng cây xanh ven đường, trồng hoa trước nhà tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Từ khi bắt tay vào XDNTM, đến nay huyện Châu Thành có nhiều khởi sắc, hiện có 04/13 xã đạt chuẩn NTM (Hưng Mỹ, Hòa Minh, Hòa Thuận và Lương Hòa A); 39/103 ấp NTM; 28.364/37.194 hộ gia đình văn hóa, NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện có 13/13 xã đạt chuẩn NTM, xã Hưng Mỹ đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Ông Lâm Sáng Tươi, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng mà địa phương đề ra trong thời gian tới, là tập trung chỉ đạo phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển thương hiệu các loại trái cây đạt chuẩn VietGAP, lúa hữu cơ sinh học, vùng R.A.T… hướng đến phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản để góp phần tiêu thụ hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.