03/05/2022 08:49
Giao thông nông thôn ấp Mồ Côi, xã Đôn Châu được đầu tư láng nhựa.
Điểm xuất phát XDNTM của xã Đôn Châu từ xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, đồng bào Khmer chiếm 80,9% dân số, xã có 10 ấp chia thành 02 tiểu vùng: tiểu vùng I là vùng nước lợ, nguồn kinh tế chủ yếu là nuôi thủy sản. Tiểu vùng II, là vùng nước ngọt, nguồn kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Xây dựng xã nông thôn mới làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, kinh tế phát triển đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn theo hướng trong sạch, vững mạnh.
Hàng năm, Ban chỉ đao phân công cán bộ phụ trách chuyên môn dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác XDNTM; kết hợp với các ngành chuyên môn tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi; các chuyên đề hướng dẫn khung đánh giá 19 tiêu chí XDNTM; 05 tiêu chuẩn ấp văn hóa - nông thôn mới; 03 tiêu chuẩn gia đình văn hóa - nông thôn mới. Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung chỉ đạo vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, như: trồng lúa chất lượng cao, nuôi tôm mật độ cao, trồng màu trong nhà lưới và nuôi bò sinh sản... giải quyết việc làm cho trên 120 lao động địa phương.
Ông Trần Văn Quận, Chủ tịch UBND xã Đôn Châu cho biết: trong XDNTM địa phương đặc biệt quan tâm tiêu chí 10 (thu nhập) và tiêu chí 11 (hộ nghèo), từ đó, Đảng bộ luôn quan tâm phát triển kinh tế, huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; giúp người dân nắm vững, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi nhằm hạn chế rủi ro. Cùng với các mô hình góp vốn xoay vòng của Hội Nông dân; mô hình tiết kiệm, tín dụng của Hội Liên hiệp phụ nữ; mô hình nuôi heo đất của Hội Khuyến học và hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135, các chương trình, dự án của Chính phủ... đã góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân địa phương.
Là địa phương thuần nông, trong tổng số 3.216,08ha diện tích tự nhiên, xã có 2.362ha đất sản xuất nông nghiệp (trồng lúa 1.412,6ha; nuôi trồng thủy sản 949,4ha); vùng sản xuất nông nghiệp - thủy sản tập trung có diện tích 1.600ha (trồng lúa 1.250ha, nuôi trồng thủy sản 350ha).
Năm 2020 - 2021, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; dịch tả heo và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, địa phương được tỉnh, huyện đầu tư nạo vét 08 tuyến kênh thủy lợi, với tổng kinh phí đầu tư 2,6 tỷ đồng. Trên địa bàn xã có 43 tuyến kênh thủy lợi nội đồng, với tổng chiều dài 64,56km đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ 100% đất sản xuất nông nghiệp và chủ động ứng phó với triều cường và xâm nhập mặn. Hiện, địa phương có 03 hợp tác xã nông nghiệp 92 thành viên; có 14 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi 121 thành viên tham gia hoạt động trên diện tích đất sản xuất 150ha và chăn nuôi trên 90 con heo và bò. Có 91 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kinh tế, xã hội, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn được đổi mới, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm; lao động có việc làm thường xuyên được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia XDNTM. Năm 2021, xã còn 30 hộ nghèo, chiếm 0,97%; 558 hộ cận nghèo, chiếm 17,12%. Thu nhập bình quân đầu người 51,25 triệu đồng/năm, qua rà soát, đánh giá, xã Đôn Châu đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Ấp Mồ Côi, xã Đôn Châu có 179 hộ, với 815 nhân khẩu, đồng bào Khmer chiếm 95%; Chi bộ ấp Mồ Côi 05 năm liền (2017 - 2021) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Kim Chane, Bí thư Chi bộ ấp Mồ Côi cho biết, Chi bộ chỉ đạo địa phương xây dựng thành công ấp nông thôn mới vào năm 2020, thành tích trên là sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể đảng viên chi bộ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân. Điểm nổi bật của chi bộ là vận động 33 hộ dân hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, với chiều dài tuyến đường hơn 03km. Trước đây, tuyến đường đất này có chiều rộng 04m, qua vận động Nhân dân hiến đất mở rộng mặt đường lên 07m, được Nhà nước đầu tư láng nhựa, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển, giao lưu hàng hóa.
Từ những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo xã xác định, XDNTM phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân, từ đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng, tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp ngày công, vật chất và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của Nhân dân là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, ngày 28/9/2020, Đảng ủy xã Đôn Châu ban hành Quyết định số 15-QĐ/ĐU về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua triển khai, phát động, có 3.079 hộ đăng ký hộ gia đình văn hóa - nông thôn mới, đạt 100%. Đến nay, rà soát, xét công nhận 2.997/3.079 hộ, chiếm 97,34% so tổng số hộ toàn xã; 10/10 ấp được công nhận ấp văn hóa - nông thôn mới.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.