22/06/2020 16:44
Bà Thạch Thị Hạnh thực hiện công đoạn nâng chèo đậu đũa lên giàn.
Những năm trước, kinh tế của xã còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào Khmer sinh sống và tập quán sản xuất nông nghiệp còn nhiều lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước tình hình trên, xã đã triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện địa phương.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa, xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy lộ trình xây dựng hoàn thành xã NTM. Những năm qua, xã ưu tiên giảm nghèo bằng các hành động cụ thể, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động.
Cùng với đó, việc tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng các biện pháp thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khuyến khích người dân trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển sản xuất.
Bên cạnh các nguồn lực đảm bảo bố trí công tác giảm nghèo, trong 05 năm qua, xã tập trung ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước, vốn dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội các ấp khó khăn với tổng giá trị 48,116 tỷ đồng. Đồng thời đảm bảo chi thường xuyên để thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào Khmer nghèo.
Ngoài ra, giải quyết tình trạng hộ nghèo, cận nghèo dân tộc Khmer thiếu đất ở, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất hoặc có phương án chuyển đổi nghề sản xuất kinh doanh với số tiền trên 3,369 tỷ đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho 2.145 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với số tiền vay trên 125 tỷ đồng. Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị hàng hóa và có hiệu quả cao.
Gia đình bà Thạch Thị Hạnh, ấp Ba So, xã Hiệp Hòa trước đây thuộc diện hộ nghèo, sống dựa vào 0,5ha đất sản xuất lúa, cuộc sống khó khăn. 04 năm gần đây nhờ chuyển đổi 0,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh khoai mì, đậu đũa, khổ qua, dưa leo xoay vòng 03 vụ/năm, lợi nhuận đạt 25 - 35 triệu đồng/vụ (tùy theo mùa vụ và giá thị trường). Cũng trong thời gian này, gia đình được xã tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay trên 100 triệu đồng cho con tham gia xuất khẩu lao động nên đã vươn lên thoát nghèo.
Bà Hạnh cho biết, trồng màu tuy cực công chăm sóc nhưng thu nhập ổn định và thường xuyên hơn trồng lúa. Ngoài trồng màu, tôi còn kháp rượu nuôi heo thịt và bò sinh sản. Mỗi đợt heo nái sinh sản, nếu heo con sụt giảm tôi nuôi thúc thành heo thịt xuất bán, còn heo con tăng giá thì bán hết. Nhờ chủ động con giống cũng như thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm kháp rượu nên đạt lợi nhuận khá. Đợt heo con vừa qua tăng giá cao nên tôi xuất bán 20 con, lợi nhuận 30 triệu đồng.
Hay nông dân Thạch Ma Ra, ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, trước đây là hộ cận nghèo của ấp nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với mô hình nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa hữu cơ trên diện tích gần 01ha.
Theo ông Thạch Ma Ra, mặc dù năng suất trồng lúa hữu cơ không cao nhưng tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc, phân bón hữu cơ, giá bán cao và lợi nhuận từ 2,5 - 03 triệu đồng/1.000m2 so với lúa thường, đặc biệt là được bao tiêu sản phẩm nên an tâm sản xuất. Ngoài tập trung sản xuất lúa hữu cơ, ông còn nuôi tôm sú theo hình thức bán thâm canh và tận dụng bờ ao nuôi tôm trồng ớt sừng vàng, rau màu các loại, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, kinh tế của xã duy trì ổn định và tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tạo nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả hình thành vùng sản xuất thâm canh cây màu, mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống,… góp phần nâng cao giá trị sản xuất tăng hàng năm 12,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay hộ nghèo còn 172 hộ chiếm 6,94%, giảm 482 hộ so với năm 2015.
Song, kết quả vẫn chưa cao, bền vững bởi ý thức của một bộ phận người dân về công tác giảm nghèo vẫn còn hạn chế, nhất là các hộ thuộc diện nghèo thường trông chờ, chưa có ý thức vươn lên trong phát triển kinh tế cải thiện đời sống.
Do vậy, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, góp phần xây dựng đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2020, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân. Tích cực tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, kinh nghiệm thoát nghèo nhanh, bền vững của các hộ gia đình, địa phương.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.