22/09/2021 07:39
Đặc biệt năm 2021, xã tập trung dồn sức thực hiện đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện chỉ tiêu nghị quyết gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng dịch bệnh Covid-19, xã tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thức đẩy kinh tế phát triển nhằm bù đắp một số lĩnh vực không đạt.
Theo ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn, khi địa bàn xã xuất hiện trường hợp đầu tiên dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Để người dân không hoang mang, lo lắng, ngoài việc phối hợp cách ly khu vực có trường hợp F0 xuất hiện, xã xây dựng kịch bản lên phương án sẵn sàng cho công tác PCDB sát với tình hình cụ thể để khi có tình huống sẽ kích hoạt, vận hành ngay, không để bị động, bất ngờ.
Để thuận lợi trong công tác vừa PCDB, vừa thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp, xã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, các tổ chức đoàn thể để Nhân dân hiểu rõ về dịch bệnh, qua đó có biện pháp phòng tránh thích hợp, không để mắc Covid-19. Chấp hành nghiêm các quy định về PCDB như thông điệp 5K, vệ sinh môi trường, kịp thời kiểm tra sức khỏe khi có dấu hiệu bất thường, tự cách ly… đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã cơ bản được kiểm soát, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đã dần khôi phục.
Mặc dù vậy nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2021 đạt kết quả khả quan. Tuy giá nông sản bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng địa phương tạo điều kiện cho thương lái vào địa bàn giải quyết đầu ra cho nông dân; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương lái và phương tiện vào địa phương thu mua nông - thủy sản để kịp thời ngăn chặn các trường hợp liên quan với dịch bệnh để chủ động PCDB Covid-19 trên địa bàn.
Bà Sơn Thị Đẹp, ấp Huyền Đức (trái) thu hoạch đậu phộng.
Bà Sơn Thị Đẹp, ngụ ấp Huyền Đức, xã Long Sơn trồng 3.000m2 đậu phộng, tuy nhiên đến vụ thu hoạch vào thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên giá đậu phộng sụt giảm còn 9.000 - 10.000 đồng/kg. Không chỉ vậy mà không có thương lái thu mua, trong khi đó đậu phộng đến vụ thu hoạch, gặp mưa nên bà thuê hơn 10 lao động tranh thủ thu hoạch dứt điểm 3.000m2 đậu phộng sau đó tìm đầu ra sau.
Bà Đẹp cho biết: gia đình 07 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng màu 03 vụ/năm. Với diện tích trên, vụ đậu phộng đông - xuân 2021, sau 03 tháng trồng, bà thu lợi nhuận 06 triệu đồng/1.000m2. Đến vụ này, bà tiếp tục trồng đậu phộng với mục đích lấy phụ phẩm cây đậu nuôi 02 con bò, nhưng vụ đậu phộng này lại gặp cảnh “được mùa mất giá”, thậm chí không có thương lái thu mua nên bà nhờ cán bộ nông nghiệp xã tìm giải pháp giải quyết đầu ra. Trong lúc đang băn khoăn về đầu ra đậu phộng và lo lắng không có tiền trả công cho lao động tham gia thu hoạch, bà được địa phương tạo cơ hội liên kết với doanh nghiệp thu mua đậu phộng với điều kiện sản phẩm đậu phộng phơi khô… với bà Đẹp, đầu ra sản phẩm đậu phộng được giải quyết bà vô cùng phấn khởi vì có thu nhập, có tiền trả công cho lao động.
Ông Thạch Ru La cho biết: trong thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với XDNTM nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2021, xã tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Tiếp tục xây dựng cánh đồng lớn ấp Ô Răng, vận động chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu.
Trong những tháng đầu năm 2021, xã vận động người dân hơn 15ha đất làm lúa kém hiệu quả sang trồng các loại màu có giá trị kinh tế cao. Tập trung mở rộng diện tích màu, bố trí chuyển dịch cơ cấu đưa cây màu xuống chân ruộng thay vụ lúa kém hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh với các loại cây màu có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ, nhà lưới. Phấn đấu diện tích màu đạt 3.300ha/năm.
Tiếp tục phát triển chăn nuôi gắn với công tác nâng cao chất lượng con giống, tầm vóc, tăng cường các hoạt động dịch vụ thú y để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát triển nuôi thủy sản nước lợ đảm bảo theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, khai thác tối đa lợi thế tiềm năng dự án cánh đồng Năng, Trà Côn để phát triển con nuôi thủy sản.
Song song với công tác thực hiện lại tái cơ cấu để bù đắp các lĩnh vực hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết trong năm 2021, xã tập trung thực hiện 04 tiêu chí trong XDNTM: hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư và trường học. Đồng thời tập trung hỗ trợ ấp Sóc Giụp và Bào Mốt đạt chuẩn ấp văn hóa – nông thôn mới cuối năm 2021.
Để đạt được mục tiêu trên, xã tranh thủ hỗ trợ của trên đầu tư cơ sở vật chất xây dựng Trường THCS và Trường Mẫu giáo Long Sơn đạt chuẩn quốc gia. Đề nghị trên xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng 148 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vận động đoàn viên, hội viên và cộng đồng tham gia các phong trào phát triển kinh tế như: “mô hình tiết kiệm tín dụng”, “mô hình góp vốn xoay vòng”…, phấn đấu cuối năm 2021 giảm hộ nghèo còn dưới 03%. Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt, vận động người dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định bảo vệ nguồn nước, thực hiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhà và xung quanh nhà nhằm tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Hướng dẫn cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi thủy sản, chăn nuôi thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường...
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.