07/10/2020 01:00
Xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất cây màu trên đất triền giồng và giồng cát. Hiện toàn xã có khoảng 1.100 - 1.200ha, chủ yếu sản xuất rau ăn lá các loại, ớt, dưa hấu… do sản xuất mang tính tự phát, chưa có liên kết nên giá trị mang lại của sản phẩm nông sản chưa cao và thường rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Từ thực trạng trên, năm 2018, mô hình Tổ hội nghề nghiệp (cùng ngành nghề, cùng mục đích sản xuất...) của Hội Nông dân xã Ngũ Lạc được thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Theo ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lạc: những năm qua, phong trào chuyển đổi đưa cây màu xuống chân ruộng, trồng rau an toàn đã phát triển ở các ấp Rọ Say, Thốt Lốt, Bổn Thanh, Sóc Ruộng,... thu nhập cao hơn 02-03 lần so với trồng lúa. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng màu và xây dựng vùng liên kết tiêu thụ sản phẩm, Hội đã chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế, kinh tế hợp tác và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất.
Hiện xã Ngũ Lạc đã phát triển và thành lập được 55 tổ hội nghề nghiệp, với 1.002 thành viên; 01 chi hội nghề nghiệp, với 43 thành viên; 08 tổ hợp tác, với 96 thành viên và 03 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, với 172 thành viên. Điển hình là HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc hoạt động theo chuỗi giá trị hàng hóa, với sản phẩm rau màu các loại, hàng năm cho doanh thu 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ trong mô hình thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Ông Lâm Thành Cảnh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc cho biết: hiện HTX có 56 thành viên, với diện tích trồng màu hơn 15ha và 20ha sản xuất lúa, tất cả đều theo hướng sạch, an toàn. Riêng trong năm 2018, các thành viên trong HTX đạt doanh thu 1,13 tỷ đồng; lợi nhuận 0,94 tỷ đồng (thu từ rau màu các loại 0,7 tỷ đồng; thu từ dịch vụ 0,24 tỷ đồng). Năm 2019, hoạt động kinh doanh từ sản phẩm nông nghiệp sạch của HTX đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 0,8 tỷ đồng. Qua đó, hàng năm HTX đã giúp được 20 hộ khó khăn, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 45 hộ.
Bên cạnh liên kết trong phát triển trồng màu, phong trào kinh tế tập thể ở lĩnh vực nuôi thủy sản và chăn nuôi được Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Ngũ Lạc vận động, tuyên truyền người dân tham gia liên kết, xây dựng mô hình Tổ hội nghề nghiệp. Tại 04 ấp ven vùng đồng láng (Bổn Thanh, Mé Láng, Cây Xoài, Cây Da), Hội vận động nông dân thực hiện mô hình nuôi kết hợp nhiều loài trên cùng diện tích nuôi (nuôi tôm sú kết hợp cua biển), nhằm tận dụng nguồn thức ăn; nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đã tạo nguồn thu nhập cho hội viên nông dân.
Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả như hộ ông Lê Văn Hoa, Nguyễn Văn Trạng, Sĩ Minh Tùng (ấp Mé Láng), ông Võ Văn Đông (ấp Bổn Thanh)…cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nông dân Trần Văn Thới, ấp Cây Xoài cho biết: nhờ tận dụng mô hình nuôi thủy sản kết hợp dịch vụ nông nghiệp, hàng năm đem lại doanh thu cho gia đình trên 01 tỷ đồng; trừ chi phí đạt lợi nhuận hơn 0,792 tỷ đồng. Ngoài ra, bản thân còn tham gia giúp cho 15 hộ khó khăn, chuyển giao kỹ thuật cho 20 hộ.
HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.