31/03/2021 09:34
Vườn thanh long ruột đỏ ở ấp Sóc Thát được xông đèn kích thích ra bông.
Năm 2005, nhờ tỉnh thực hiện có hiệu quả các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, các diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã khắc phục được tình trạng triều cường dâng cao, xâm nhập mặn. Qua thời gian phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xã vận động Nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp sang trồng mới các loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: cam sành, bưởi, quýt đường, thanh long ruột đỏ, dừa… nâng đến nay toàn xã có trên 704ha vườn cây ăn trái... tập trung ở ấp Bến Có, Trà Đét, Sóc Thát, Cổ Tháp A và Cổ Tháp B. Nhiều nông dân trồng cây ăn trái khẳng định, kinh tế vườn cho lợi nhuận trung bình 100 - 110 triệu đồng/ha/năm.
Về ấp Sóc Thát, hỏi thăm nhà ông Châu Văn Học thì người dân ở đây đều biết rõ, bởi ông là một trong những người tiên phong trong ấp chuyển đổi cơ cấu sản xuất trồng xoài cát châu nghệ, bưởi da xanh và trồng dừa. Với diện tích 0,9ha, ông Học trồng khoảng 120 gốc xoài cát châu nghệ, 0,4ha bưởi da xanh. Vụ trái cây năm 2020 vừa qua, xoài cát châu nghệ có giá trung bình 17.000 - 18.000 đồng/kg, bưởi da xanh giá 25.000 đồng/kg, với diện tích nêu trên, mô hình trồng cây của ông Học sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
Còn ông Lê Văn Hoàng, ấp Trà Đét cho biết: gia đình có khoảng 0,7ha vườn tạp trồng các loại cây như dừa, cam, bưởi… hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm thu nhập khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha/năm. Từ khi tham gia các lớp tập huấn, tham quan nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả do xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức, gia đình tôi mạnh dạn chuyển 0,7ha vườn tạp chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Hiện, vườn thanh long đã cho trái ổn định bán với giá dao đông 25.000 - 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Ông Hoàng cho biết thêm: hiện nay, nhu cầu đời sống của người dân khá cao, thường người tiêu dùng chọn trái cây ngon, mẫu mã đẹp và chất lượng sản phẩm nên khâu chăm sóc trái cây phải kỹ hơn, để làm sao cho da bóng, đẹp mới bán được giá. Để làm được điều này, đòi hỏi người trồng phải tiếp cận khoa học - kỹ thuật về chăm sóc, bón phân cân đối, cắt tỉa những cành lá sâu bệnh, loại bỏ những trái không đạt, rớt loại, để các trái tốt còn lại phát triển cho năng suất cao.
Ông Lâm Hữu Tùng, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Hóa cho biết: đời sống của người dân trong xã từng bước được ổn định là nhờ kinh tế vườn. Sắp tới, xã vận động nông dân cải tạo các diện tích vườn tạp để phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, năng suất cao. Mỗi năm, xã đều phối hợp với ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái cho người dân tiếp cận. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, xã đã xây dựng được 17 tổ hợp tác (THT) và 03 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi góp phần đưa kinh tế vườn của xã phát triển bền vững.
Để vườn cây ăn trái của xã phát triển bền vững, ngành chức năng, chính quyền địa phương, nông dân cần tận dụng tốt nhất các lợi thế khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển cây ăn trái đạt năng suất, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Phát triển cây ăn trái phải dựa trên cơ sở tổng kết thừa kế và phát huy các bài học kinh nghiệm quý báu của các nhà vườn giàu kinh nghiệm, kết hợp với tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, bảo quản và chế biến; cải tạo và nâng cao chất lượng vườn đã có, đồng thời, tăng diện tích trồng mới (theo quy hoạch), từng bước tiến tới hình thành vùng chuyên canh với diện tích lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ để cung cấp cho thị trường, chất lượng phải gắn với thương hiệu; chú trọng chọn các cây giống đầu dòng tại chỗ, kết hợp với viện, trường sản xuất cây giống sạch bệnh, tăng cường quản lý Nhà nước về công tác giống cây trồng; đầu tư phát triển phải tập trung đồng bộ ở cả 04 khâu (sản xuất, thu mua, công nghệ sau thu hoạch, tiêu thụ), ưu tiên trước hết cho sản xuất, bảo quản và mở rộng thị trường. Địa phương và các ngành chuyên môn hỗ trợ thành lập nhiều THT, HTX để thuận lợi hơn trong quản lý, sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tăng cường các nguồn vốn vay hỗ trợ với lãi suất ưu đãi và duy trì các nguồn vốn cho vay như hiện nay, cũng như tăng thêm thời hạn của các chu kỳ vay vốn. Củng cố THT, HTX đủ mạnh và các THT, HTX phải hợp thành sức mạnh tổng thể đủ sức tham gia cạnh tranh thị trường.
Kinh tế vườn góp phần nâng cao mức thu nhập của nông dân, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Nguyệt Hóa đạt 54,1 triệu đồng, đạt 102% so kế hoạch, tăng 1,1 triệu đồng so năm 2019, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Với lợi thế và điều kiện thổ những thích hợp cho phát triển kinh tế vườn, hy vọng xã Nguyệt Hóa sẽ có bước chuyển mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, giúp Nhân dân làm giàu.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.