31/12/2020 09:27
Tuyến đường về vùng căn cứ kháng chiến Cây Da - Sóc Cầu (xã Hùng Hòa) tiếp giáp với xã Tân Hòa đang được thi công nhựa hóa.
Trong những ngày cuối năm 2020, chúng tôi có dịp về lại xã NTM Hùng Hòa (công nhận xã đạt NTM năm 2017), hình ảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là sự đổi thay rất lớn tại các ấp căn cứ kháng chiến trước đây. Đặc biệt là hệ thống giao thông được kết nối và phủ khắp thôn xóm, với những con đường nhựa chạy dài xuyên qua các cánh đồng lúa bạt ngàn chín vàng, những vườn dừa trĩu quả...
Ông Thạch Ky (sinh năm 1940, năm nay đã 47 tuổi Đảng) ở ấp Cây Da, xã Hùng Hòa là một trong những chiến sĩ du kích năm xưa từng tham gia hoạt động tại vùng căn cứ kháng chiến Cây Da, cho biết: những năm gần đây, Hùng Hòa đổi thay rất lớn, nhất là về hệ thống giao thông. Cùng với đó, đời sống của người dân, đặc biệt là đối tượng gia đình chính sách và đồng bào Khmer không ngừng nâng cao; kinh tế phát triển nhanh, nhất là chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, cây ăn trái. Gia đình có trên 01ha đất lúa, nay đã chuyển sang trồng dừa, mỗi tháng cho thu nhập 12-15 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã Hùng Hòa đạt 50,4 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 1,9 lần so với năm 2015). Về chăm lo gia đình chính sách, toàn xã hiện có 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 04 Mẹ còn sống); giai đoạn 2015-2020, đã triển khai xây dựng mới 66 căn nhà tình nghĩa; nâng tổng số toàn xã có 271 căn tình nghĩa được xây dựng cho gia đình chính sách. Qua đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông, đến cuối năm 2020, xã Hùng Hòa có 42,820km đường nông thôn được xây dựng đal và nhựa; riêng trong năm 2020, đã đầu tư xây dựng 03 cây cầu bê tông vĩnh cửu và 03 tuyến đường nhựa, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng; ngoài ra, xã còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng trạm nước sạch tập trung tại xã (50m3/giờ), có tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng… đến nay toàn xã đã đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn cả 02 mùa mưa nắng.
Ông Lê Văn Đua, Chủ tịch UBND xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: sau khi địa phương được công nhận hoàn thành xây dựng xã NTM, đối với Hùng Hòa vấn đề nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn luôn được các cấp ủy và chính quyền đặc biệt quan tâm. Do đặc điểm là xã nông nghiệp (chủ yếu là trồng lúa), vì vậy để đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất, địa phương đã vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi lại cơ cấu sản xuất, xác định lợi thế của từng vùng và xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng và hướng người dân vào sản xuất.
Đến cuối năm 2020, nông dân trong xã đã chuyển 100% diện tích mía (gần 80ha) sang các cây trồng khác và đem lại thu nhập cao cho người dân gấp 04-05 lần so với cây mía. Hiện toàn xã có 745ha vườn cây ăn trái, hàng năm cho sản lượng 4.951 tấn và 645ha dừa, sản lượng thu hoạch khoảng 14,35 triệu trái/năm.
Về phát triển kinh tế hợp tác, có 02 hợp tác xã trong lĩnh vực lúa và cây ăn trái (Hợp tác xã nông nghiệp Hùng Tiến, với 120 thành viên; hợp tác xã bưởi da xanh Hùng Hòa, có 54 thành viên) và 16 tổ sản xuất lúa, 01 tổ chăn nuôi heo và 01 tổ trồng màu. Cụ ông Lâm Nhẫn (ngụ ấp Kinh, sinh năm 1928) cho biết: bây giờ, địa phương rất quan tâm đến các cụ cao tuổi, như được chăm sóc, khám chữa bệnh miễn phí. Các ngành cũng thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe và động viên gia đình trong sản xuất, hỗ trợ vốn để làm kinh tế…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.