17/10/2022 08:02
Khu vực nuôi tôm phía ngoài đê bao Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn.
Nông dân Lâm Thành Châu, ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn chia sẻ: gia đình có 0,2ha đất trồng lúa; trước đây, khu vực này chỉ làm được 01 vụ lúa thu đông - mùa (chủ yếu nhờ vào trời mưa). Từ năm 2016 đến nay, khu vực này được Nhà nước đầu tư tuyến đê bao kết hợp giao thông để ngăn mặn và phân thành 02 khu vực (phía ngoài đê bao nuôi thủy sản, phía trong đê bao trồng lúa).
Riêng gia đình từ năm 2020, chuyển sang làm 02 vụ lúa và 01 vụ màu mùa khô (bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch), nhờ đó, thu nhập của gia đình ổn định, khoảng 15 triệu đồng/0,2ha/năm.
Xã Thạnh Hòa Sơn có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, hàng năm diện tích sản xuất lúa khoảng 1.100ha. Trong đó, vùng chuyên sản xuất lúa tập trung ở các ấp Trường Bắn, Lạc Thạnh B và vùng lúa - thủy sản ở các ấp Lạc Hòa, Cầu Vĩ, Lạc Thạnh A. Về diện tích màu, với gần 500ha; trong đó, 70ha chuyên canh màu còn lại là diện tích màu luân vụ, được phân bố một phần ở các ấp Cầu Vĩ, Lạc Hòa, Lạc Thạnh A từ đất lúa kết hợp 01 vụ màu mùa khô.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Công Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: trước tình hình tác động của biến đổi khí hậu, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn do thiếu nước ngọt, từ tháng 12 âm lịch là các kênh thủy lợi bắt đầu nhiễm mặn nên địa phương đã bố trí, quy hoạch lại từng tiểu vùng cho phù hợp với điều kiện sản xuất trong mùa khô, mùa mưa trên từng cây trồng.
Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn của trên để đầu tư nạo vét kênh thủy lợi, làm đê bao kết hợp giao thông nội vùng để ngăn mặn. Từ đó, các vùng sản xuất cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu và được nông dân triển khai đồng bộ các quy trình sản xuất với từng cây trồng phù hợp, như vào mùa khô, đối với các vùng trồng màu Cầu Vĩ, Lạc Hòa được bố trí sản xuất đậu phộng, bắp, ớt…
Trong sản xuất cây màu, Thạnh Hòa Sơn là một trong những địa phương có mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiệu quả theo hình thức thuê đất và thuê nhân công của người dân tại địa phương, sau đó, doanh nghiệp đưa quy trình canh tác, giống vào để chính những nông dân này canh tác và thu lại sản phẩm.
Cũng theo ông Lâm Công Đức, với hình thức liên kết trên đã giúp nông dân tại 02 ấp Lạc Hòa, Cầu Vĩ rất an tâm trong phối hợp thực hiện với doanh nghiệp. Diện tích được doanh nghiệp thuê lại đất từ nông dân để trồng bắp lai (15ha) với giá 40 triệu đồng/ha, đồng thời thuê nhân công lao động cũng chính là chủ đất hoặc những hộ lân cận có kinh nghiệm trồng màu để tham gia canh tác. Với mô hình liên kết trên, vừa giúp nông dân vẫn giữ được đất sản xuất và giải quyết được lao động trong nông nghiệp của địa phương.
Được biết, cuối năm 2022, Thạnh Hòa Sơn tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực bố trí chuyên sản xuất màu (ấp Cầu Vĩ, Lạc Hòa) để hạ thế điện, nạo vét kênh cấp III kết hợp đường nông thôn, dài 2,5km. Riêng khu vực chuyên sản xuất lúa cũng được xã phát triển thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Trường Bắn (ấp Trường Bắn) để hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, hiện hợp tác xã có 25 thành viên, đã bắt tay vào sản xuất ở vụ thu đông - mùa với giống lúa ST25, diện tích 12ha theo hướng hữu cơ.
Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Thạnh Hòa Sơn qua thực hiện quy hoạch, bố trí vùng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, đã góp phần rất lớn trong việc ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, bình quân 01ha đất sản xuất nông nghiệp (lúa - màu) mang lại giá trị trên 60 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, xã có trên 1.000ha nuôi thủy sản (diện tích nuôi tôm sú 290ha, với trên 500 lượt hộ thả nuôi; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 725ha với gần 1.200 lượt hộ thả nuôi, riêng diện tích nuôi thâm canh mật độ cao có 60 lượt hộ nuôi trên diện tích 42ha) và giá trị mang lại từ đất nuôi trồng thủy sản đạt 150 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.